Cách hiểu khác nhau
Thời gian qua, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhiều trường hợp người dân sử dụng GPLX tích hợp các hạng gặp khó khi có nhu cầu cấp đổi GPLX.
Cụ thể, những người dân này sử dụng GPLX tích hợp nhiều hạng, thông thường sẽ là hạng A1 tích hợp với B2 hoặc C, E.
Có trường hợp, khi người dân điều khiển xe máy vi phạm trong lĩnh vực giao thông và bị xử phạt hành chính kèm hình thức bổ sung là tước GPLX có thời hạn. Đối với trường hợp người dân sử dụng GPLX tích hợp, bị tước một hạng đồng nghĩa bị tạm giữ luôn các hạng còn lại.
Trong khi đó, các hạng không bị tước khi đến thời điểm phải cấp đổi, người dân không thể thực hiện vì GPLX đang bị tạm giữ.
Mới đây, trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thành phố Cần Thơ về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thành viên của đoàn giám sát đã đặt câu hỏi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chánh Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ cho biết, Nghị định 118/2021 hướng dẫn việc xử lý vi phạm hành chính có nêu thời gian tạm giữ các giấy phép, chứng chỉ hành nghề là theo thời gian còn lại của các loại giấy phép này.
"Ví dụ như hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước GPLX trong 23 tháng. Nếu GPLX còn 5 tháng sẽ bị tước 5 tháng, còn 3 tháng thì sẽ bị tước 3 tháng.
Còn theo Nghị định 100/2019, GPLX sẽ bị tước theo thời hạn vi phạm. Như trường hợp bị tước GPLX 23 tháng thì sẽ bị giữ suốt 23 tháng. Như vậy hai nghị định này cách hiểu còn khác nhau, dẫn đến việc đổi GPLX còn khó khăn", ông Bình nói.
Theo ông Bình, hiện lực lượng CSGT khi xử phạt đối với GPLX tích hợp ô tô và mô tô sẽ theo Nghị định 118/202. Nghĩa là nếu GPLX còn thời hạn 5 tháng, nhưng quy định tước 23 tháng thì sẽ tước 5 tháng.
Tuy nhiên, nếu GPLX mô tô tích hợp với ô tô thì GPLX mô tô là không có thời hạn. Khi đó thời gian tước sẽ đủ 23 tháng
Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019, trong thời gian bị tước GPLX, người dân không thể cấp đổi GPLX.
Cần đề xuất cụ thể
Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ nhìn nhận có sự bất cập trong công tác quản lý.
Ông cho biết, theo quy định trước đây mỗi người dân chỉ được cấp một GPLX và tích hợp các hạng vào một GPLX.
Sau đó, quy định này không bắt buộc nữa, nhưng có nhiều người dân chưa có nhu cầu tách các hạng GPLX ra và không lường trước được có sự bất tiện khi bị tước một hạng của GPLX.
"Vấn đề này gây không ít khó khăn cho người dân, nhưng GPLX đang bị tạm giữ, không thể nào lấy ra để đổi được.
Sở GTVT cũng đã có kiến nghị với Bộ GTVT, Bộ Công an để phối hợp có hướng giải quyết. Có thể là trước khi ra quyết định xử phạt tước GPLX, nên có một quy định để người dân làm thủ tục tách GPLX ra, chỉ tạm giữ đúng hạng GPLX bị tước thôi, phần còn lại sẽ không bị ảnh hưởng", ông Khoa cho biết.
Để có hướng giải quyết, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị UBND thành phố Cần Thơ, các sở ngành có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về công tác này.
Sau đó, đoàn sẽ tổng hợp báo cáo để phục vụ việc xem xét thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tới đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận