Đời sống

Người dân Kon Tum lo lắng khi cường độ động đất tăng lên

28/07/2024, 17:13

Liên tiếp các trận động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum) có cường độ ngày càng tăng ở mức từ 4,1 độ đến 5 độ đã khiến người dân tại đây tỏ ra vô cùng lo lắng.

Tính đến 12h trưa ngày 28/7, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 4 trận động đất với cường độ mạnh.

Trong đó, trận động đất lúc 11h35 có cường độ mạnh lên đến 5 độ richter, rung chấn lan đến cả Lào, Campuchia. Trận động đất này được đánh giá Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Người dân Kon Tum lo lắng khi cường độ động đất tăng lên- Ảnh 1.

Động đất xảy ra tại Kon Plông (Kon Tum) tần suất nhiều và cường độ ngày càng mạnh. Ảnh U.S

Động đất ngày một dày và mạnh lên

Theo người dân tại xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), địa phương ở gần vị trí động đất nên cảm nhận rung lắc rất mạnh. Họ đã chạy khỏi nhà khi cảm nhận rõ sự lắc lư.

Anh A Quyn, một người dân sinh sống tại xã Đăk Nên cho biết: "Hôm nay mưa lớn nên cả gia đình tụ tập ngồi chơi ở bếp lửa. Khi đang ngồi thì căn nhà rung mạnh.

Cả nhà không ai bảo ai liền lao ra ngoài mưa vì sợ ngói vỡ rơi xuống. Sau đó gia đình vào kiểm tra thì không thiệt hại gì. Lâu nay rùng rùng nhỏ cũng quen rồi, nhưng mà lần này lớn quá khiến ai cũng hoảng hồn".

Cũng theo anh Quyn, sau khi cơn rung lắc đi qua, cả ngôi làng nơi anh ở dường như ai cũng khiếp đảm.

Người dân Kon Tum lo lắng khi cường độ động đất tăng lên- Ảnh 2.

Tâm chấn trận động đất 5 độ xảy ra tại huyện Kon Plông ngày 28/7. Ảnh: Google

Ông Nguyễn Văn Hà, chủ một cơ sở kinh doanh tại TT. Măng Đen cho rằng, việc cường độ động đất tăng lên là điều đáng báo động.

"Chúng tôi bất an lắm. Một năm hàng chục, hàng trăm trận động đất thoáng qua. Nhà cửa, hàng quán rung lên bần bật mỗi khi động đất khiến khách khứa tới đây hoảng loạn.

Năm 2022, trận động đất từ 4,7 độ richter đã thấy khiếp rồi, nay tăng lên 5 độ richter nên cảm giác động đất này một tăng lên, bất an cũng cứ thế tăng lên", ông Hà chia sẻ.

Vì sao Kon Plông nhiều động đất?

Viện Vật lý địa cầu ghi nhận, đã có hàng trăm trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum).

Các chuyên gia nhận định, động đất ở huyện Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước, tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Động đất kích thích tại khu vực này có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, động đất cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter.

Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.

Động đất đã gây xáo trộn đời sống người dân Kon Plông trong thời gian từ 2022 đến nay. Nhất là trong thời điểm hồ thủy điện thượng Kon Tum của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tiến hành tích nước.

Cần đảm bảo an toàn cho người dân

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, chuyên gia về thuỷ lợi, thuỷ điện cho biế, tại huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.

Trong đó, thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW, dung tích trữ 145,52 triệu m3, có tính toán thiết kế chống động đất cấp 7. Thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125 MW, dung tích trữ 248,51 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 8. Thủy điện Đăk Re có công suất 60MW với 2 tổ máy, dung tích trữ nước 249,3 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 7.

Ngoài ra, Kon Plông còn hàng loạt công trình thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ và vừa. Cụ thể như thủy điện Đăk Pô Ne; thủy điện Đăk Lô; thủy điện Đăk Lô 2... 

Các trận động đất được dự báo có thể lên tới 5,6 độ đến 6 độ richter. Động đất ở cường độ này có thể xảy ra đứt gãy công trình giao thông, hạ tầng và ảnh hưởng rất lớn đến các công trình, nhà cửa của người dân.

Nghiêm trọng hơn, nếu các trận động đất lớn có thể làm vỡ các đập thủy điện ở thượng nguồn, lúc đó hậu quả sẽ rất lớn.

Vì thế, cần phải khảo sát, nghiên cứu để đánh giá lại các công trình thủy điện lớn tại khu vực huyện Kon Plông để làm rõ mức độ nguy hiểm.

"Trên thực tế những trận động đất đã xảy ra với tần suất ngày càng tăng và cường độ càng lớn. Vậy nên, ngành chức năng cần phải nghiên cứu, khoanh vùng vị trí thường xuyên xảy ra động đất để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình hạ tầng khác", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.

Chiều 28/7, ông Lê Đức Tín, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, bước đầu vụ động đất 5 độ richter đã gây ra một số thiệt hại liên quan đến công trình, tài sản trên địa bàn.

Tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rung chấn khiến tivi bị rơi hư hỏng hoàn toàn. Tại xã Đăk Ring có 2 cơ sở của nhà nước bị rạn nứt các vách ngăn tường của điểm trường THCS.

Tại xã Đăk Nên, điểm Trường Mầm non, phòng làm việc Công an xã có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn. Trong đó, phòng làm việc của Công an xã này vừa được được xây dựng năm 2024.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.