Sáng 30/9, sương mù quang hóa tiếp tục bao trùm bầu trời TP.HCM. Đến 10h cùng ngày, tại nhiều quận của TP như các quận 1, 2, 3, 4, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận… lớp sương mù quang hóa dày đặc, có màu trắng đục khiến cảnh tượng TP.HCM trông rất… khó chịu.
Cảm giác ngột ngạt làm người dân lo lắng về những tác động xấu đến sức khỏe. Rất nhiều người băn khoăn muốn biết, tình trạng này sẽ kéo dài đến khi nào? Mù quang hóa như hiện nay sẽ gây ra những tác động xấu như thế nào đến môi trường và sức khỏe con người?...
Theo giải thích của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện tượng mù quang hóa là một dạng ô nhiễm xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển. Ánh sáng mặt trời phản ứng với các khí thải động cơ, công nghiệp… tạo ra ozone, PAN và aldehit tạo ra hiện tượng này, gây độc hại cho sức khỏe con người. Sương mù quang hoá xảy ra trên địa bàn TP có tính chu kỳ, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và chất lượng sống người dân.
Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM cho biết, hiện tượng sương mù quang hóa năm nay có dấu hiệu bất thường. Các năm trước, hiện tượng này chỉ kéo dài 6-7 ngày rồi tan.
Một cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, tình trạng mù quang hóa như hiện nay gây hại đến sức khỏe người dân, nhất là người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch. Nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5 và PM10 có kích thước rất nhỏ, đi sâu vào cuống phổi, gây ra các bệnh về hô hấp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây ra hiện tượng mù quang hóa tại TP ngày càng nghiêm trọng là do mật độ dân số quá cao, ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, xây dựng, từ khí thải của các phương tiện tham gia giao thông.
Được biết, Hà Nội và TP.HCM hiện đang thuộc nhóm những TP ô nhiễm nhất thế giới. Sự mất cân bằng về sinh thái đang khiến cho TP.HCM ngày càng hứng chịu nhiều hậu quả từ những tác động của biến đổi khí hậu. Triều cường, ngập nước, ô nhiễm môi trường… đang là những vấn đề mà người dân TP phải đối mặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận