Liên quan đến sự việc người dân trên địa bàn TP. Hà Nội đổ xô đi “hôi" hoa trang trí trên các tuyến phố sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều những ngày qua, chiều nay (7/3), trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, vụ việc xảy không thể chỉ phán xét riêng hành vi của người dân mà đơn vị quản lý, trực tiếp là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội phải có trách nhiệm.
“Những chậu hoa được trang trí để phục vụ thượng đĩnh Mỹ - Triều nhưng không phải sau đó hết tác dụng. Đây là hoa làm đẹp chung cho cả đô thị. Ngoài việc phải trang trí, công ty cây xanh cũng phải có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng. Tiền để mua hoa cũng là ngân sách Nhà nước, không phải xã hội hóa. Để người dân tự ý dừng cả ô tô lấy hoa không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn tạo hình ảnh rất xấu xí. Nếu có biển báo, rào chắn hoặc có người người ra ngăn chặn, sẽ không thể xảy ra tình trạng trên. Do đó, phải có biện pháp xử lý cả đơn vị quản lý”, luật sư Hướng nhận định.
Cũng theo luật sư Hướng, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra cụ thể, thống kê, lượng hóa một con đường đầu tư bao nhiêu tiền hoa, đầu tư những loại hoa nào. Khi chứng minh được thiệt hại, mới xem xét tính chất, động cơ, mục đích, mức độ có vi phạm không? Vi phạm ở mức nào? Xử lý theo chế tài nào? Thậm chí, nếu cần có thể lập cả hội đồng định giá, tính toán thiệt hại để lấy căn cứ truy cứu trách nhiệm cụ thể.
Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, để xảy ra việc người dân “hôi" hoa như vừa qua là do công ty cây xanh chủ quan, không đưa ra cảnh báo, tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ giữ gìn. Việc chủ quan đó đã làm “của công” lãng phí ở mức nhất định.
Về hình thức xử lý các vi phạm liên quan, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật Giang Thanh cho biết, theo các Nghị định số 23/2009; Nghị định số 139/2017 và các thông tư liên quan, những người tự ý lấy chậu hoa tại dải phân cách đường phố Hà Nội có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Thanh, việc lấy chậu hoa của người dân nếu được sự cho phép của những người quản lý hoa thì không thể coi là người dân tự ý và không thể áp dụng nghị định nêu trên để xử phạt. Trong trường hợp người dân được sự cho phép của những người quản lý, cần phải xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quản lý đó.
Theo Luật sư Thanh, Khoản 3 mục V Thông tư số 20/2005/TT-BXD quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị. Do vậy người nào cho phép người dân được lấy chậu hoa không đúng quy định, có thể bị xử phạt theo Khoản 3 Điều 53 Nghị định số 139/2017: Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.
Trước đó, chiều qua (6/3), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định không cho phép người dân lấy hoa. “Các khu vực hoa được trang trí đều là công sức do công nhân vất vả thực hiện. Hiện tượng nhiều người dân tự ý lấy hoa trên một số tuyến phố xảy ra là điều rất đáng tiếc. Việc này liên quan đến ý thức người dân, làm xấu đi hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến”, ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, sau các vụ việc này, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội yêu cầu công nhân trực tiếp đến các vị trí trồng hoa để tiến hành thu dọn, phân loại lại hoa. “Chúng tôi rất mong chính quyền các phường, quận cùng phối hợp bảo vệ hoa được trưng bày trên các tuyến đường”, ông Mạnh nói.
Thông tin thêm, ông Mạnh cho biết, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, hiện đơn vị này đang lên kế hoạch thu hồi và phân loại các chậu hoa trang trí. Những cây hoa đẹp, đơn vị sẽ tận dụng đưa ra các công viên, vườn hoa để tiếp tục trưng bày, làm đẹp cảnh quan của Thủ đô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận