Hoang mang tột độ
Chia sẻ với hãng tin Guardian, anh Bode Shonibare một nhân viên ngân hàng quốc tịch Anh-Nigeria đang thăm gia đình vợ tại thành phố Marrakech, cách tâm chấn trận động đất khoảng 72km về phía tây nam, cho biết: “Đêm 8/9, trong vài giây đầu tiên khi động đất xảy ra, tôi giật mình không biết chuyện gì diễn ra".
"Rồi vợ tôi hét lên gọi, hai vợ chồng cùng lao về phía con gái mới được vài tuần tuổi. Vợ tôi bế cháu rồi cả gia đình chạy ra ngoài đường. Trong hoàn cảnh rối loạn đó, chúng tôi không biết phải làm gì khác”, Shonibare nói.
Khi gia đình anh Shonibare chạy ra ngoài đường, họ hết sức bàng hoàng khi chứng kiến khung cảnh hỗn loạn trước mắt.
"Tất cả mọi người đều chạy ra ngoài, ai cũng sốc, hoảng loạn, la hét. Một số bậc phụ huynh ôm con nhỏ trên tay cố tìm nơi trú ẩn an toàn. Mọi người đổ ra đứng chật đường, không dám về nhà vì không biết liệu trận động đất đã kết thúc chưa", anh Shonibare nói.
“Trong khoảng một, hai giờ sau đó, chúng tôi đứng ngoài đường, cố tìm hiểu tình hình. Chúng tôi nhìn thấy khoảng 5 chiếc xe tải, xe cứu thương chạy qua. Rất đông người dân ngồi trên vỉa hè chờ đợi được cung cấp thêm thông tin về mức độ ảnh hưởng của trận động đất”, anh Shonibare nhớ lại.
Trận động đất xảy ra vào khoảng 23h (giờ địa phương) ngày 8/9, riêng tại trung tâm TP Marrakech, đã có nhiều tòa nhà, Giáo đường Hồi giáo đổ sập.
Theo hãng tin Guardian, ảnh chụp hiện trường cho thấy TP Marrakech bị tàn phá nặng nề, trên đường phố đâu đâu cũng thấy đống đổ nát. Một số tòa nhà trong khu thành cổ, được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO đã sụp đổ.
Sau trận động đất, nhiều người dân lo lắng, sợ hãi ngồi đợi cả đêm trên vỉa hè hoặc trên đường, khu quảng trường, không dám quay về.
“Vì có thông tin xảy ra dư chấn nên ai cũng cảnh giác cao độ. Nhưng trong lúc khó khăn người dân địa phương vẫn tìm mọi cách để giúp đỡ lẫn nhau, hỏi han, tìm hiểu thông tin về tình hình hàng xóm", anh kể.
Ông Amro Ali, nhà xã hội học sinh sống tại thành phố cảng Casablanca, Maroc cho biết dù nơi ông ở cách khá xa tâm chấn trận động đất nhưng gia đình ông vẫn cảm nhận được rung chấn.
"Khi căn nhà rung lắc, hai vợ chồng tôi nấp dưới bàn đồng thời tôi chạy đi khóa van bình gas. Tình cảnh lúc đó thật đáng sợ!", ông Ali nói.
"Khi quyết định mở cửa chạy ra ngoài, chúng tôi nhìn thấy nhiều người la hét. Khung cảnh rất hỗn loạn, chẳng ai kịp chuẩn bị cái gì, lấy hết sức mà chạy", nhân chứng nói thêm.
Còn tại thủ đô Rabat, cách tâm chấn động đất khoảng 350km, cô Loubna Rais - người dân địa phương cho biết cô tưởng như sắp chết khi nhà cô rung lắc dữ dội. Đến ngày hôm sau, dư chấn vẫn tiếp tục diễn ra tại thủ đô Rabat.
"Khi nhà cửa rung lắc, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc ôm lấy mèo rồi nấp dưới chiếc bàn gỗ lớn trong phòng. Lúc đó, chiếc bàn trở thành nơi trú ẩn, nguồn hy vọng sống sót duy nhất của tôi.
Rồi tôi bắt đầu nghe thấy tiếng mọi người la hét bên ngoài. Điện thoại còn rất ít pin nên tôi phải để dành, không dám gọi cho cha mẹ, bạn bè để tìm hiểu tình hình. Nỗi lo lắng, hoảng sợ bắt đầu ập đến. Sau đó, dù mọi chuyện trôi qua, nhưng khi đọc tin tức, tôi nhận ra tình hình tại nhiều khu vực khác trên khắp đất nước vô cùng tồi tệ", cô Rais nói.
Nơi thiệt hại nặng nề nhất là những vùng hẻo lánh
Theo ông Ali, những ngôi làng ở vùng hẻo lánh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì ở đây chất lượng xây dựng nhà thường thấp, không đủ sức chống chịu trước thiên tai.
Ngoài ra, các đội cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận hiện trường.
Cũng như ông Ali, khi động đất tạm lắng, bình tâm lại, cô Rais rất lo lắng cho người dân ở vùng sâu xa vì họ vốn sống trong cảnh khó khăn nay lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì động đất.
"Thật đau lòng khi nghĩ đến cảnh người dân tại nhiều khu vực trên khắp đất nước mất nhà cửa, người thân... Tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ dốc toàn lực hỗ trợ người dân tại các khu vực này, đặc biệt trong 48 giờ đầu tiên sau khi thảm họa xảy ra. Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể cứu sống thêm người dân" - cô Rais chia sẻ.
Cách đây hơn 60 năm, Maroc từng chứng kiến trận động đất mạnh 5,8 độ richter xảy ra tại thành phố cảng Agadir, Maroc khiến 1/3 dân số thành phố, tương đương khoảng 15.000 người, thiệt mạng.
Năm 2004, trận động đất mạnh 6,3 độ Richter tại thị trấn Al Hoceima, miền bắc Maroc khiến hơn 600 người thiệt mạng, hàng nghìn người mất nhà cửa.
Những hình ảnh lột tả sức tàn phá của trận động đất mạnh nhất hàng thập kỷ tại Maroc:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận