Xã hội

Người dân miền Tây hưởng lợi gì từ những công trình thủy lợi "khủng"?

07/02/2022, 13:39

Không chỉ ứng phó hạn mặn hiệu quả, những công trình này có thể mở ra những mô hình sinh kế hưởng lợi cho người dân…

Trong nhiều năm, vùng ĐBSCL đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi "khủng" để ứng phó với hạn mặn. Nhờ vậy, ngay cả những năm hạn mặn diễn ra khốc liệt, vượt mức báo động năm 2016, thiệt hại vẫn rất thấp.

img

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (nối huyện Châu Thành và huyện An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang).

img

Đây là công trình thủy lợi “siêu khủng”, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Nhiệm vụ của "siêu cống" Cái Lớn và Cái Bé là kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ) tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên). Ngoài ra, công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

img

img

Dù nằm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhưng dự án thủy lợi này, khi đi vào vận hành sẽ bao phủ một vùng rộng lớn trên 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, TP Cần Thơ. Nhờ việc kiểm soát tốt nguồn nước, nông dân trong vùng dự án sẽ được tiếp cận với điều kiện sản xuất mới.

img

Ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang, tỉnh này đã triển khai dự án Xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh là 2 địa phương được chọn để triển khai thí điểm 4 mô hình sinh kế: lúa - tôm; lúa - rau màu; khóm - thủy sản và mô hình trồng mãng cầu xiêm. Mỗi mô hình thí điểm là một hướng đi mới, sinh kế mới cho người nông dân ở vùng ven.

img

Ông Ngô Văn Tám (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) cho biết: “Vùng đất này từng được xem là khó phát triển nông nghiệp, nhưng bây giờ 15 công (1 công = 1.000 m2) lúa của nhà tui chắc cậy, hạt to nặng trĩu. Hồi trước, dễ gì kiếm được ruộng lúa tốt như vậy”.

img

Bà Nguyễn Như Phil, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, phấn khởi: “Nhờ trúng mấy vụ lúa, khóm mà năm nay gia đình tôi cất được căn nhà mới khang trang đón Tết. Hồi đê bao làm xong, mùa khô hay mùa mưa đã không còn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Bà con khu vực trong đê mừng lắm!”.

img

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm ở phía Tây vùng ĐBSCL. Tổng diện tích tự nhiên trong vùng dự án là trên 900.000 ha, thuộc 6 tỉnh, thành phố gồm Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ. Sau khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, một diện tích rộng lớn khoảng 380.000 ha sẽ được hưởng lợi từ việc vận hành hệ thống này. Những tác động tích cực từ công trình sẽ phần nào làm thay đổi chế độ nguồn nước trong khu vực Bán đảo Cà Mau nói chung, vùng hưởng lợi trực tiếp nói riêng.

img

Trên cơ sở những thuận lợi đó, vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này trên 3.100 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương gần 3.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh.

img

img

Còn tại Bạc Liêu, dự án hệ thống cống âu thuyền Ninh Qưới (huyện Hồng Dân) được đưa vào sử dụng cuối năm 2019 với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Công trình giúp ngăn mặn của triều biển Tây và điều tiết nước cho vùng lúa tôm của Bạc Liêu nhưng không ảnh hưởng đến Sóc Trăng. Có năm, dù hạn hán và xâm nhập mặn rất gay gắt nhưng địa phương chưa bị thiệt hại nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.