Người đàn ông hạnh phúc làm cha ở tuổi 47
Bế cô con gái xinh xắn trên tay, anh Trần Khắc Đạt (SN 1974, thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ) nở nụ cười mãn nguyện nói:“ Hạnh phúc này khó tả lắm vì 47 tuổi tôi mới được làm cha”.
Anh Đạt chia sẻ, trước khi đến với chị Tống Thị Thu Hà (SN 1981), cả hai đều đã qua một lần đò. Nhưng điều đáng buồn là anh Đạt được chẩn đoán vô tinh, không còn khả năng có con sau đợt mắc quai bị biến chứng viêm tinh hoàn. Cũng từ đó, anh mang trong mình mặc cảm, tự ti định sống một mình nốt phần đời còn lại.
Anh Trần Khắc Đạt (Phú Thọ) hạnh phúc bên cô con gái nhỏ
Năm 2016, anh Đạt gặp chị Hà lúc ấy là cô giáo tiểu học, đã có cô con gái riêng 13 tuổi. Họ quyết định kết hôn, và với anh Đạt, khi đó chỉ nghĩ "vợ chồng sống dựa vào nhau, coi con vợ như con đẻ, bởi mình không bao giờ có con được”.
Nhưng biến cố bất ngờ xảy ra, 1 năm sau kết hôn, mắt của con gái chị Hà bỗng dưng bị mờ, phát hiện u não giai đoạn muộn và mất không lâu sau đó. Cú sốc khiến chị Hà suy sụp, đau khổ.
Nhớ lại những tháng ngày đó, chị kể: “Cuộc sống lủi thủi chỉ còn hai vợ chồng, tình cờ tôi đọc được nhiều bài báo viết về những cặp vợ chồng hiếm muộn đi thụ tinh tại Bệnh viện Nam học và đã tìm được đứa con của chính mình. Ý muốn có con cứ thôi thúc, tôi nói với chồng nhưng anh Đạt không tự tin. Thường ngày anh đã sống rất khép kín, nên tôi hoàn toàn chủ động đưa chồng đến viện. Hành trình đó rất gian nan. Chúng tôi xác định nếu lần này không thành công thì sẽ xin tinh trùng để có mụn con”.
Anh Đạt xúc động kể lại, sau khi thăm khám tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, BS. Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học nói tôi còn khả năng làm cha bằng phương pháp mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. "Và tôi đã khóc ngay trên bàn mổ khi BS. Việt bảo tìm được rồi nhé 19 chú tinh binh, để thực hiện thụ tinh ống nghiệm".
Sau khi sàng lọc, lựa cho được 10 con khỏe mạnh, Bệnh viện đã tạo được 10 phôi cho vợ chồng anh Đạt.
May mắn ngay lần đầu đặt phôi, chị Hà đậu được thai đôi. Do lớn tuổi nên chị Hà mang thai rất vất vả. Tuần thứ 7 thì hỏng mất 1 cháu. Sau 9 tháng thai nghén, ngày 28/6/2020, bé Trần Ngọc Phương Diễm chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của vợ chồng anh Đạt, chị Hà.
“Nghe con khóc ở phòng hộ sinh mà mình vẫn chưa tin mình đã thật sự được là cha”, anh Đạt bồi hồi kể lại.
Vô tinh vẫn còn cơ hội có con
Tại lễ tổng kết “Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2022” và kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản do BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tổ chức. BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện chia sẻ: Một số kỹ thuật hiện đại, được bệnh viện triển khai, áp dụng đã và đang mang đến cơ hội có con cho ngày càng nhiều những trường hợp hiếm muộn khó, có tiên lượng thấp.
Các bác sĩ thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE cho bệnh nhân vô tinh
Điển hình, trong điều trị hiếm muộn nam, việc áp dụng phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp nam giới vô sinh không tắc nghẽn do những nguyên nhân như: teo tinh hoàn do quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng, các bất thường về gene, bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter).
Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh đã từng làm các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng đã thành công nhờ Micro TESE và có được đứa con của chính mình.
BS. Hiền cho biết thêm, một kỹ thuật khác cũng được bệnh viện áp dụng thành công là kỹ thuật bơm Gel chống dính vào buồng tử cung sau phẫu thuật kết hợp với liệu pháp hormone. Kỹ thuật này giúp cải thiện đáng kể hiện tượng tái dính sau phẫu thuật, tỷ lệ thành công cao, lên tới 70%-80% (không dính buồng tử cung sau phẫu thuật), mở ra nhiều cơ hội có con cho các cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh, hiếm muộn.
"Có rất nhiều ca bệnh hiếm muộn khó điều trị, khi đến điều trị tại bệnh viện vẫn đạt tỷ lệ thành công cao nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp, tỷ lệ thành công trung bình từ 65-70%", BS. Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ.
Ông Lợi cho biết thêm, tiếp tục nối dài những ước mơ được “đón trái ngọt” của các cặp vợ chồng hiếm muộn, năm nay bệnh viện duy trì hỗ trợ 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận