Vào sáng sớm ngày 24/1, anh Lý (30 tuổi) lên cơn nhồi máu cơ tim, được người nhà đưa đến Bệnh viện số 2 Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cấp cứu.
Sau ca phẫu thuật, anh Lý đã được cứu sống. Qua cuộc trò chuyện, bác sĩ biết được anh có thói quen hút thuốc lá hơn 10 năm nay, trung bình mỗi ngày hút 1 bao.
Anh Lý cho biết, vào 12 giờ đêm anh bất ngờ bị tức ngực, khó thở nhưng chủ quan nghĩ rằng sau khi ngủ sẽ khỏi.
Thế nhưng vào lúc 5 giờ sáng, tình trạng vẫn không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn, còn ra nhiều mồ hôi. Anh liền gọi người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Anh Lý lên cơn nhồi máu cơ tim vào lúc sáng sớm. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ cho biết, vóc dáng của bệnh nhân bình thường, không có tiền sử đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành.
Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn mạch máu và mức độ xơ vữa không đến mức nghiêm trọng có thể là do hút thuốc thuốc lá lâu ngày gây ra.
Việc hút thuốc đã làm rối loạn nội mô mạch máu, kết hợp thêm các yếu tố như mệt mỏi quá sức, ăn quá no, thức đêm, đã dẫn tới việc hình thành huyết khối.
Bác sĩ Tề Bân, phó trưởng khoa Tim mạch tại bệnh viện này cho biết: “Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá và nhồi máu cơ tim có liên quan chặt chẽ với nhau, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên tới 7 lần.
Chất nicotin trong thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh về tim mạch và đường hô hấp như xơ vữa động mạch, ung thư phổi…
Ngoài ra, hút thuốc lá cũng rất có hại cho phụ nữ, dẫn đến lão hóa sớm, suy giảm khả năng miễn dịch và nhiều hậu quả khác”.
Bệnh nhồi máu cơ tim nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Đàm Ngọc Văn, trưởng khoa Tim mạch tại bệnh này chia sẻ: “Nhồi máu cơ tim dùng để chỉ tình trạng bị hoại tử do thiếu máu cục bộ cơ tim, máu bị tắc cấp tính ở động mạch vành, khiến dòng máu đang luân chuyển bị gián đoạn.
Nguyên nhân của căn bệnh này là do xơ vữa động mạch vành, dẫn tới mạch máu bị bó hẹp, thiểu máu cơ tim, trong khi tuần hoàn bàng hệ không được thiết lập đầy đủ.
Khi tình trạng này xảy ra, nguồn cung cấp máu bị giảm mạnh hoặc bị gián đoạn, gây ra thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính nghiêm trọng và dai dẳng trong hơn 1 giờ, dẫn tới nhồi máu cơ tim”.
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim cấp tính ngày càng trẻ hóa. Các yếu tố như thức khuya, hút thuốc lá nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tim mạch và bệnh mạch máu não.
Nhồi máu cơ tim khởi phát ở người trẻ thường đột ngột và các triệu chứng nguy hiểm hơn so với người cao tuổi, nguy cơ đột tử cũng cao hơn.
Các nguyên nhân gây tăng nhồi máu cơ tim ở người trẻ thường do áp lực trong công việc và cuộc sống cao, căng thẳng thường xuyên, uống rượu bia, thuốc lá, ít lao động chân tay, thói quen ăn uống không tốt, thức khuya, làm việc và nghỉ ngơi không điều độ…
Để phòng tránh căn bệnh này, mọi người nên hình thành thói quen sống tốt, hạn chế thức ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim
1. Bệnh tim mạch vành và nhồi máu cơ tim cấp đã được chứng minh có liên quan tới yếu tố di truyền.
2. Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử cơ tim do tắc cấp tính các động mạch vành cung cấp máu cho tim, các mảng xơ vữa tăng dần theo độ tuổi.
3. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến và quan trọng nhất của bệnh tim mạch vành. Người bị tăng huyết áp có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp 4 lần.
4. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
5. Tăng lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến và quan trọng nhất của bệnh tim mạch vành.
6. Béo phì là một trong những yếu tố phổ biến và quan trọng nhất của bệnh tim mạch vành. Những người nặng hơn 30% trọng lượng cơ thể tiêu chuẩn sẽ mắc bệnh mạch vành gấp 2 - 8 lần những người cân nặng bình thường trong vòng 10 năm.
7. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của bệnh tim mạch vành. Người hút thuốc lá nặng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp đôi so với người không hút thuốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận