Sáng 23/10, Hà Tĩnh có nắng to, nước lũ vẫn đang tiếp tục rút. Tuy nhiên, tại nhiều vùng dân cư của xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) - ngay dưới chân hồ Kẻ Gỗ vẫn đang ngập sâu trong nước, có nơi còn ngập quá đầu gối người lớn.
Khắp mọi nơi, người dân tranh thủ dọn dẹp, cọ rửa nhà cửa, đồ đạc trong nhà. Những chỗ khô ráo đều được tận dụng để làm nơi phơi lúa, tủ lạnh, máy giặt, quạt… và các đồ dùng trong nhà sau nhiều ngày ngâm trong nước.
Nhờ người thân đưa lúa ra đường cái để phơi, chị Phan Thị Thúy (45 tuổi, ở thôn Phú Thượng, xã Cẩm Duệ) nói trong nước mắt: Nhà bị ngập đến 3m, dù đã kê cao nhưng hơn 20 tấn lúa vẫn ngâm nước lũ tận 4 ngày.
“Tiếc của thì phơi thôi! Phơi để cho con gà, con lợn chứ mốc, mọc mầm cả rồi, chắc người không ăn được nữa”, chị Thúy nói.
Vốc từng nắm lúa đã mốc đen trong bao tải ra, chị Thúy cho biết thêm: Gia đình làm nghề xay xát, nên sau vụ hè thu đã vay tiền mua hơn 60 tấn lúa. Dù kho hàng đã được kê cao nhưng nước lũ ngập sâu nên vẫn có khoảng 20 tấn bị mốc và nảy mầm. Máy xay xát, đồ dùng trong nhà cũng ngâm nước, hư hỏng cả.
Đã 60 năm cuộc đời, từng trải qua binh nghiệp, chứng kiến không biết bao nhiêu phong ba bão táp, nhưng trận lụt vừa qua vẫn để lại trong cựu chiến binh Lê Văn Luân (60 tuổi, ở thôn 10 Trần Phú, xã Cẩm Duệ) những ám ảnh khó có thể quên.
Chỉ về dãy tường rào Trường Tiểu học Mỹ Duệ đã đổ sập, ông Luân kể: Chiều chủ nhật (ngày 18/10), khi nước còn cạn thì cán bộ, công an xã đi từng nhà thông báo hồ Kẻ Gỗ đang xả 150m3/s và yêu cầu mọi người dân sơ tán.
Nhớ lại trận đại hồng thủy năm 2010, nước vào sâu nhưng cũng không đến mức ghê gớm nên gia đình đã chủ quan. Đến khoảng 21-22h cùng ngày, nước về xối xả, mọi thứ đã chìm sâu trong biển nước. Cả nhà kéo nhau lên nóc nhà ngồi nghĩ dại chuyến này chỉ còn nước chết chứ không hi vọng sống.
“Giờ bình thường rồi chứ hôm trước thì không tả được. Tôi đã 60 tuổi rồi nhưng chưa khi nào thấy nước ngập như thế, thật khủng khiếp. Hãy cứ tưởng tượng nước chảy mạnh đến mức mà bất cứ vật gì rơi xuống cũng bị cuốn trôi lập tức, không kịp trở tay.
Cả nhà ngồi trên nóc nhà nhìn xuống thấy nước cuốn hàng rào bằng bê tông của nhà trường đổ sập ầm ầm, đều nghĩ chỉ còn nước chết mà không ai dám nói với ai”, ông Luân nói.
Cũng theo ông Luân: Vừa qua xem trên ti vi thì thấy những đoàn cứu hộ, cứu nạn bà con các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị hy sinh dọc đường, rất bi thương. Tôi bàn với vợ chuẩn bị dây thừng, một đầu cột vào người, đầu kia cột vào xà nhà.
“Nếu sống thì chắc chắn sẽ có người đến cứu, nhưng không may cả nhà chết đi thì chính quyền đến vớt đi chôn cất, đỡ khổ người tìm kiếm. Mình chết rồi, tội là điều đã đành, nhưng cũng đừng làm khổ người khác nữa”, ông Luân kể lại.
Khi được hỏi về công tác ứng cứu và tiếp tế lương thực trong những ngày qua, người lính năm xưa đã khóc, ông xúc động nói, "nếu không phải ở Việt Nam chắc chắn cả nhà tôi đã chết cả rồi".
Tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam trong lúc gian khó khiến ông cảm động, chảy nước mắt mỗi khi nghĩ lại.
Ông say sưa kể chuyện giữa mưa lũ trắng trời, một thanh niên trong làng vẫn bơi vào tiếp tế mì tôm cho gia đình. Giữa mênh mông nước lũ cao đến hơn nửa nhà, các chiến sĩ Công an ở tận ngoài Nghệ An vẫn vào giúp dân.
Gian khổ không làm các anh rơi lệ, nhưng thấy người dân chịu cảnh màn trời chiếu đất, các anh đã khóc. Rồi sau đó là biết bao nhiều tình cảm của đồng bào, nhân dân cả nước khi hàng ngày, từng đoàn xe tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận