Đường thủy

Người dân Sóc Trăng được lợi gì khi cống âu 500 tỷ đồng vận hành?

17/02/2025, 16:56

Cống âu trên sông Rạch Mọp (một nhánh bờ nam của sông Hậu) ở tỉnh Sóc Trăng đã vận hành tạm thời. Công trình khi hoàn thành, ngoài kiểm soát nguồn nước bờ nam sông Hậu, giao thông thủy, bộ qua khu vực này cũng có nhiều thay đổi.

Ngày 17/2, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Ban 10, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT) đã tổ chức vận hành tạm thời công trình cống âu Rạch Mọp trên con sông cùng tên thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Clip Vận hành tạm thời cống âu Rạch Mọp

Cống âu Rạch Mọp có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, lớn nhất so với 5 cống còn lại và là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng. Công trình được khởi công hồi tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành trước 30/4/2025, tiến độ hiện đạt hơn 90%.

Người dân Sóc Trăng được lợi gì khi cống âu 500 tỷ đồng vận hành?- Ảnh 1.

Cống âu Rạch Mọp gồm hai khoang cống và một khoang âu thuyền.

Cống âu Rạch Mọp là một trong 6 cống thủy lợi thuộc dự án kiểm soát nguồn nước bờ nam sông Hậu do Ban Ban 10 làm chủ đầu tư.

Tại buổi vận hành tạm thời, ông Kiều Văn Công, Phó trưởng Ban 10 cho biết, dự án cùng với các công trình đã xây dựng nhằm tạo nguồn nước ngọt, kiểm soát nguồn nước, triều cường, bảo vệ các vùng sản xuất và cơ sở hạ tầng cho một phần khu vực phía nam sông Hậu của hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Theo lãnh đạo Ban 10, ngoài kiểm soát mặn, khi hoàn thành, công trình cầu kết hợp cống Rạch Mọp còn kết nối đường giao thông nông thôn giữa hai xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và xã Song Phụng (huyện Long Phú) của tỉnh Sóc Trăng.

Trước đây, người dân hai địa phương này chỉ có thể qua lại bằng cầu Rạch Mọp trên quốc lộ Nam Sông Hậu, nay đã có thêm một hướng kết nối khác, thuận tiện hơn.

Người dân Sóc Trăng được lợi gì khi cống âu 500 tỷ đồng vận hành?- Ảnh 2.

Kết hợp với cống âu là cầu kết nối giao thông nông thôn giữa hai xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và Song Phụng (huyện Long Phú) của tỉnh Sóc Trăng.

"Cầu rộng 3,5m, tải trọng 8 tấn sẽ giúp bà con hai xã Nhơn Mỹ và Song Phụng có thêm hướng thuận tiện lưu thông", lãnh đạo Ban 10 nói.

Đối với các phương tiện lưu thông đường thủy, lãnh đạo Ban 10 cho biết trong tương lai, khi vận hành (đóng cống) tàu thuyền sẽ lưu thông qua phần âu thuyền rộng 15m. Phần âu thuyền này bằng bê tông cốt thép, đầu âu phía đông và phía sông mỗi đầu dài 28m, buồng âu dài 75m, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực.

Người dân Sóc Trăng được lợi gì khi cống âu 500 tỷ đồng vận hành?- Ảnh 3.

Khi hai khoang cống đóng, tàu thuyền sẽ lưu thông qua khoang âu thuyền rộng 15m.

"Cống âu Rạch Mọp khi hoàn thành sẽ giao cho địa phương quản lý, vận hành. Khi cống đóng để kiểm soát mặn, tàu thuyền sẽ lưu thông qua âu thuyền theo chỉ dẫn và đèn tín hiệu", lãnh đạo Ban 10 cho hay.

Cống âu Rạch Mọp có chiều rộng thông nước là 85m, trong đó bao gồm hai khoang cống, mỗi khoang rộng 35m, một khoang âu thuyền rộng 15m.

Theo Bộ NN&PTNT, dự báo tình hình hạn mặn năm 2025 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm, với phạm vi xâm nhập mặn khoảng 5-7km, không quá gay gắt.

Cống âu Rạch Mọp tuy không phải công trình điều tiết nước lớn ở khu vực ĐBSCL, nhưng khi vận hành đồng bộ với các cống khác sẽ giúp bảo vệ hơn 19.000ha diện tích sản xuất của tỉnh Sóc Trăng.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã bố trí vốn để triển khai xây dựng 5 cống còn lại trong dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu. Bộ đề nghị tỉnh Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư, chậm nhất cuối tháng 6/2025 để có thể khởi công đồng loạt trong quý III/2025, đảm bảo hoàn thành toàn dự án vào năm 2026.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.