Điều đáng nói, bãi chứa rác thải công nghiệp thông thường này chứa vỏ xoài, hạt xoài với quy mô lớn, từng bị ngành chức năng tạm đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, nơi đây vẫn tiếp nhận dẫn đến ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Người dân bức xúc vì rác phân hủy gây ô nhiễm
Lần theo phản ánh của người dân, PV Báo Giao thông có mặt tại hiện trường và ghi nhận bãi chứa hạt xoài, vỏ xoài đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực.
Bà T (ngụ ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, bãi rác này hoạt động gần ba năm qua, rộng gần 1ha, nằm ven kênh An Long 2, thuộc ấp 3, xã An Hòa và cách đó vài trăm mét là địa bàn ấp An Phú, xã An Long.
Để thuận tiện trong quá trình sinh hoạt, nhiều năm qua, người dân ở hai bên bờ kênh An Long 2 vẫn sử dụng nguồn nước dưới kênh. Thế nhưng, nước rò rỉ từ bãi rác thải khiến nguồn nước đôi lúc không sử dụng được.
"Trước đây, đã có lần nước dưới kênh An Long 2 bỗng dưng chuyển sang màu đen kèm mùi hôi thối. Gia đình tôi không có nước tắm giặt, phải mua nước đóng thùng phục vụ ăn uống", Bà T nói.
Bức xúc trước tình trạng bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường, ông L (ngụ ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhà của ông ở cách bãi chứa hạt xoài, vỏ xoài khoảng 1km.
Nhiều tháng qua, cuộc sống gia đình ông bị ảnh hưởng vì theo hướng gió, mùi hôi thối từ bãi rác phát tán khắp nơi.
"Khổ nhất là vào mùa mưa, dòng nước dưới kênh An Long 2 trước nhà tôi chuyển sang màu đen hoặc màu vàng kèm mùi hôi chua", ông L than thở.
Ông L cho biết thêm, mùa mưa, nước ứ đọng trong bãi rác quá nhiều, nước thải từ bãi rác đã chảy ra kênh An Long 2.
Trước đây, nghe nói chủ đầu tư thực hiện dự án thu mua hạt xoài, vỏ xoài để nuôi trùn quế. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, vẫn không thấy nuôi trùn quế mà chỉ chứa vỏ xoài, hạt xoài như một bãi rác.
"Khu vực chứa rác này trước đây là ao nuôi cá rộng gần 1ha được thuê lại của một người dân ở địa phương. Vì chứa quá nhiều vỏ xoài, hạt xoài nên gần như ao bị san lấp", ông L thông tin thêm.
Núp bóng nuôi trùn quế?
Qua tìm hiểu của PV, bãi rác xoài rộng lớn, ô nhiễm này là nơi đăng ký nuôi trùn quế của một cơ sở kinh doanh. Thế nhưng, thực tế, nơi đây chỉ dùng để chứa rác thải từ vỏ xoài, hạt xoài.
Ông H.V.L (ngụ xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) nói: "Tôi thường lui tới nơi đây nhưng không thấy nuôi trùn quế. Nuôi giống này phải có mái che và cho ăn phân bò. Ở đây chỉ là cái hầm chứa rác".
"Có đăng bảng là nuôi trùn nhưng thực tế là không có trùn. Tới đó thấy toàn là xoài thôi", ông P.H.H (ngụ xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) khẳng định.
Trao đổi với PV, ông Trần Trang Tuấn Duy, Phó trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, qua phản ánh của người dân, ngành chuyên môn có đến kiểm tra. Kết quả, trong cơ sở có bể chứa và thực hiện nuôi thử nghiệm trùn quế với bốn bể nuôi.
Điều này có phần nghịch lý, bởi theo ông Duy, cơ sở hoạt động có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp năm 2021 do bà Nguyễn Thị An Xuyên đứng tên, có phương án sản xuất kinh doanh và phương án bảo vệ môi trường năm 2021.
Ngày 13/12/2022, Đoàn kiểm tra của tỉnh Đồng Tháp đến kiểm tra và buộc cơ sở nuôi trùn quế của bà Nguyễn Thị An Xuyên tạm ngưng hoạt động vì chưa đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường. Hiện nay, cơ sở đang làm thủ tục về môi trường năm 2024.
Sau ba năm được cấp phép, cơ sở chỉ mới nuôi thử nghiệm trùn quế. Trong khi đó, bãi rác chứa vỏ xoài, hạt xoài ngày càng lớn dần, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh.
"Qua phản ánh của người dân, đơn vị đã phối hợp với UBND xã An Hòa khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế tại cơ sở nuôi trùn quế của bà Nguyễn Thị An Xuyên.
Qua đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường có kiến nghị UBND huyện Tam Nông chỉ đạo UBND xã An Hòa làm việc với chủ cơ sở nuôi trùn quế về một số nội dung gồm: Yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động vì chưa thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, yêu cầu cơ sở tiếp tục thực hiện các biện pháp che chắn kín đáo những khu vực sản xuất, nhất là khu vực lưu chứa nguyên liệu, rải vôi, khử khuẩn để hạn chế mùi phát tán ra môi trường xung quanh.
Đồng thời, không xả nước trực tiếp ra môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp và lập thủ tục môi trường theo quy định", ông Duy cho biết thêm.
Tại Đồng Tháp, các cơ sở sơ chế xoài phải thuê đơn vị xử lý rác với chi phí khoảng 500.000 đồng/tấn. Trong khi đó, bãi rác ở ven kênh An Long 2 "núp bóng" cơ sở nuôi trùn quế đã hợp thức hóa việc tiếp nhận, xử lý vỏ, hạt xoài từ những cơ sở sơ chế xoài và thu lợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận