Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở trong thời gian dài đã khiến nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ở Cà Mau ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở khoét hàm ếch vào đất liền.
Đặc biệt, trong mùa mưa bão hiện nay, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Tại cửa biển Vàm Xoáy (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có khoảng 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nghề biển. Hàng năm, cứ mỗi lần thủy triều dâng cao người dân phải di dời sâu vào trong đất liền, dựng lại căn nhà khác để sinh sống.
Gần 25 năm sống ven biển, bà Liêu Mỹ Nương (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ: "Gia đình tôi có bốn người, chồng tôi là lao động chính.
Mỗi khi ông ấy không có nhà, nửa đêm xảy ra gió lớn tôi phải ngồi canh chừng vì sợ nhà sập không biết đường chạy. Gia đình tôi đã 5 lần phải dời nhà đi vì sạt lở, cuộc sống vốn không thuận lợi lại càng thêm khó khăn".
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển
Hồi cuối tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển với 6 đoạn, tổng chiều dài hơn 29km tại ba huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi.
Cụ thể, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn cửa biển Hóc Năng (dài 2,5km); kênh Năm đến kênh Chùm Gọng (dài 4,1km); kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy (dài hơn 7,1km); Kiến Vàng đến Ông Tà (dài 6,4km); cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3, dài 1km); Hố Gùi đến Bồ Đề (dài 8km).
Anh Nguyễn Mỹ Linh (ngụ ấp Mũi, xã Đất Mũi) tâm sự: "Hàng ngày, vợ chồng tôi mưu sinh bằng nghề lưới cá khoai. Tôi sống ở đây gần 10 năm rồi, tôi cũng chứng kiến không ít vụ sạt lở.
Phía trước nhà tôi trước đây là rừng phòng hộ, nhưng hiện nay chỉ còn thấy sóng biển. Đề phòng sạt lở, gia đình tôi cũng chuẩn bị sẵn chiếc ghe để mỗi khi sóng gió đánh mạnh thì chạy vào bờ tránh sóng".
Lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện di dời người dân vào nơi an toàn để ổn định cuộc sống. Tính đến nay, xã đã di dời được 40 hộ dân.
"Hiện tại, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện Ngọc Hiển xây dựng phương án di dời, bố trí tái định cư cho khoảng 40 hộ dân còn lại. Đồng thời, kiến nghị huyện, tỉnh sớm bố trí kinh phí để xây dựng bờ kè hai bên từ khu vực cửa biển Vàm Xoáy trở vào, dài khoảng 1km", ông Trường cho hay.
Cũng theo ông Trường, đa phần những hộ dân nơi đây đều có cuộc sống nghèo khó, mong muốn bám biển kiếm sống nên việc di dời gặp nhiều khó khăn, dù cả người dân và chính quyền đều biết tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
"Diễn biến thời tiết phức tạp khiến thiên tai càng khó lường, nước biển dâng cao, tốc độ sạt lở cũng diễn ra thường xuyên hơn. Trước đây, số vụ sạt lở trên địa bàn xã rất ít, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra tới 7 vụ sạt lở. Đây là lời cảnh báo", ông Trường nói.
Nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, UBND xã Đất Mũi đã vận động bà con có tài sản lớn di dời đến nơi an toàn, thường xuyên quan sát dấu hiệu nguy cơ sạt lở, kịp thời thông tin để chính quyền địa phương cử lực lượng hỗ trợ.
Trước mắt, xã đã thành lập Tổ phản ứng nhanh phòng, chống thiên tai để kịp thời hỗ trợ người dân khi xảy ra tình huống nguy cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận