Luật đề cao trách nhiệm nhà báo, cơ quan báo chí
Sáng 21/5, tại Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Việc xây dựng Luật Báo chí lần này được dựa trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và dự báo xu hướng phát triển của báo chí trong thời gian tới. Chính vì thế luật mới phải khắc phục những bất cập, chưa đầy đủ hiện nay; đồng thời tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, có định hướng và đề cao trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí…"
Tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cho biết dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung.
Một điều lần đầu được đưa vào dự Luật đó là quy định chức danh Tổng giám đốc, giám đốc là người đứng đầu cơ quan báo chí, có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng biên tập, Phó tổng biên tập sau khi có sự thống nhất ý kiến của cơ quan chủ quản và Bộ Thông tin truyền thông. Người đứng đầu có thể kiêm Tổng biên tập của một hoặc một số ấn phẩm, kênh chương trình, chuyên trang...
Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định mới đó là nếu các tổ chức cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín... và gửi phản hồi thì dù không nhất trí với ý kiến này, cơ quan báo chí vẫn phải đăng và có quyền thông tin tiếp làm rõ quan điểm của mình.
Về tiêu chuẩn phóng viên thường trú, dự thảo luật quy định: “Phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo và không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn 1 năm...".
Góp ý vào dự luật, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải đề nghị Ban dự thảo cân nhắc xác định tác nghiệp báo chí là hoạt động công vụ để đưa vào luật. Một số ý kiến khác đề nghị làm rõ hơn quy định "mục đích, tôn chỉ" của tờ báo và không nên quy định phóng viên tại các cơ quan thường trú phải có thẻ nhà báo...
Không được biến cơ quan báo chí thành đơn vị cổ phần
Tại hội thảo, đại diện Thông tấn xã Việt Nam bày tỏ băn khoăn về việc các cơ quan báo chí cần phải có nhiều nguồn thu khác nhau để bù đắp cho hoạt động của mình. Các hãng thông tấn trên thế giới cũng sống bằng kinh doanh bên ngoài rất nhiều, nên chăng Luật Báo chí lần này cần “mở” hơn.
Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Nghị quyết của Đảng cũng đã cho phép thí điểm thành lập một số tập đoàn báo chí. Báo Tuổi Trẻ đã làm việc này, kinh doanh khách sạn, nhà hàng ngoài báo chí. Chỉ có một điều: Không được biến cơ quan báo chí thành một đơn vị cổ phần, bởi lúc đó các cổ đông sẽ vì lợi nhuận để yêu cầu đưa thông tin giật gân câu khách nhằm mục đích bán báo”.
Tại hội thảo, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng không nên hạn chế thời lượng các chương trình liên kết có bản quyền định dạng nước ngoài không vượt quá 10% tổng thời lượng của kênh chương trình. Nếu hạn chế quá chặt các chương trình có nguồn thu cao thì sẽ không cân đối được thu chi và hạn chế khả năng thực hiện các chương trình công ích chính trị,vị đại diện này nói.
Hội thảo kéo dài quá 12 giờ trưa mà vẫn còn nhiều đại biểu muốn tiếp tục phát biểu.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: "Tổ Biên tập sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi hội thảo và mong nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn nữa trên Cổng thông tin điện tử và các kênh khác. Dự thảo Luật Báo chí sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 để thông qua vào kỳ họp tháng 3/2016."
Ngày 28/5, một Hội thảo tương tự sẽ được tổ chức để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị ở khu vực phía Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận