Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời của Quy định 142 là rất cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
Chịu trách nhiệm ngay từ đầu
Trong bối cảnh hiện nay, Quy định số 142 được ban hành có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Về lựa chọn cán bộ, lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc người nào giới thiệu thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế, rất ít người bị xử lý trong giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ, dù thực tế không ít người được giới thiệu sau đó mắc khuyết điểm, sai phạm.
Với quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm, người đứng đầu sẽ phải tuân thủ nghiêm về tính khách quan, công tâm và tuân thủ tiêu chuẩn, điều kiện… khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tôi hy vọng Quy định 142 sớm được triển khai, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo ra đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Tuy nhiên, với Quy định 142 được ban hành, người đứng đầu sẽ phải có trách nhiệm hơn. Ví dụ như bộ trưởng giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm thứ trưởng, hay chủ tịch tỉnh giới thiệu nhân sự bầu phó chủ tịch thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm ngay từ đầu về việc giới thiệu của mình.
Không những vậy, theo tôi, người giới thiệu còn phải chịu trách nhiệm bồi dưỡng, giám sát, kiểm tra người được giới thiệu. Từ đó, mới tạo cơ hội cho cán bộ cấp dưới phát triển, đồng thời kịp thời ngăn chặn những khuyết điểm nhỏ, tránh tích tụ thành những sai phạm lớn của người mà mình đã giới thiệu.
Tất nhiên cũng có quan điểm "ai làm người ấy chịu", nhưng người bị xử lý do ai giới thiệu, theo dõi, giám sát? Trách nhiệm đó cũng phải xác định cho rõ.
Ý nghĩa tiếp theo của quy định này là khi cán bộ đứng đầu giới thiệu cấp phó của mình, cũng tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong công việc. Nếu ở trong tập thể, cấp trưởng nghĩ một đằng, cấp phó nghĩ một nẻo, không vì cái chung, rất khó đạt hiệu quả trong công việc, đảm bảo dân chủ.
Tránh "tranh công, chối tội"
Ông có cho rằng, quy định này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra lớp cán bộ kế cận?
Đúng vậy. Việc lựa chọn, đào tạo cán bộ cấp phó của người đứng đầu sẽ tạo ra một lứa cán bộ kế cận, để khi người đứng đầu nghỉ hưu hay chuyển công tác, người cấp phó có thể tiếp bước nhiệm vụ, tạo ra sự bài bản công tác cán bộ.
Ví dụ như chủ tịch tỉnh đề bạt giới thiệu phó chủ tịch, cũng phải chọn một cấp phó xuất sắc, đủ năng lực, phẩm chất, uy tín để sau khi về hưu có người kế cận, có thể đảm đương nhiệm vụ. Điều này tránh sự lúng túng trong công tác nhân sự, tránh tình trạng "đốt đuốc" đi tìm nhân sự.
Như vậy, có thể thấy quyền hạn của người đứng đầu trong công tác cán bộ đã được nâng lên, vậy làm thế nào để đảm bảo sự công tâm, khách quan, tránh được sự cảm tính hay động cơ cá nhân?
Quy định 142 nêu rõ, người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bổ nhiệm cấp phó của mình; Được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý theo quy định. Tuy nhiên, cùng với việc giao quyền, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Trách nhiệm này gắn từ đầu, tránh tình trạng nếu cán bộ được đề bạt bổ nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ thì người đứng đầu nhận là công của mình, còn khi sai phạm, mắc khuyết điểm lại đổ cho tập thể.
Quy định đã nêu cụ thể, người đứng đầu phải có trách nhiệm bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Có nghĩa là anh phải công tâm, khách quan, không tư lợi. Cùng đó việc giới thiệu, đề bạt này cần phải có ý kiến của tập thể trên tinh thần tôn trọng và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Cần "con mắt tinh đời"
Một trong những điểm mới của Quy định số 142 là người đứng đầu chịu trách nhiệm giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm kể cả khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, theo ông điều này có ý nghĩa gì?
Ảnh minh họa.
Đây là điểm mới rất quan trọng. Việc gắn trách nhiệm như vậy để người đứng đầu phải cẩn trọng, công tâm, khách quan hơn trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Bởi nếu giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, kể cả người giới thiệu về hưu vẫn phải xử lý, không thể không chịu trách nhiệm gì.
Thực tế thời gian qua, không ít cán bộ sau khi bổ nhiệm vào vị trí nào đó mới phát hiện sai phạm trước đây. Chính vì thế người đề bạt, bổ nhiệm cần phải tìm hiểu, xác minh thông tin kỹ lưỡng để tránh chọn nhầm những người giấu sai phạm, khuyết điểm trong quá khứ một cách tinh vi.
Không ít trường hợp chỉ khi thanh tra, kiểm tra, thậm chí điều tra mới phát hiện ra sai phạm. Chính vì thế người đứng đầu cần phải có "con mắt tinh đời", "đừng thấy đỏ tưởng chín", đừng "nhìn gà hóa cuốc".
Ngoài việc bổ nhiệm, Quy định 142 còn nêu rõ: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi miễn nhiệm cán bộ không đủ căn cứ, thủ tục. Ông có cho rằng đây là một biện pháp để ngăn hiện tượng "trù dập" cấp dưới?
Đúng như vậy. Miễn nhiệm cũng phải đúng quy định, chứ không phải người đứng đầu ghét ai đó trong cơ quan, tổ chức là cho thôi. Phải có quy trình, thủ tục chặt chẽ, từ đó tránh tiêu cực trong việc miễn nhiệm cán bộ. Phải công tâm, khách quan, tránh tình trạng "yêu thì nên tốt, ghét nên xấu".
Cảm ơn ông!
Theo Quy định số 142, căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, quy định của Bộ Chính trị, người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó.
Cụ thể, với nhân sự từ nguồn tại chỗ, người đứng đầu căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và danh sách nhân sự trong quy hoạch lựa chọn, giới thiệu 1 nhân sự cho 1 chức danh để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét đưa vào danh sách, tiến hành các bước tiếp theo.
Trường hợp nhân sự từ nguồn ở nơi khác, người đứng đầu căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ giới thiệu 1 nhân sự cho 1 chức danh để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét tiến hành quy trình nhân sự.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong 2 trường hợp. Đầu tiên là giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; Không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. năng lực công tác. Thứ hai, miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.
Việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận