Người phụ nữ giúp việc có hành vi bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam sẽ bị xử lý thế nào? |
Liên quan đến clip người giúp việc bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam đang gây phẫn nộ dư luận, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhận định: Những hành vi mà người phụ nữ trong clip gây ra cho em bé là mất nhân tính.
"Theo hình ảnh trong clip, người được cho là giúp việc cũng đã cao tuổi nên có lẽ bà ấy cũng có con cháu vậy mà bà ấy lại hành xử một cách côn đồ với đứa bé chỉ hơn 1 tháng tuổi. Tôi đánh giá hành vi này quá ác độc, cần phải xử lý nghiêm", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trước câu hỏi: nếu kết luận của cơ quan công an đúng với thông tin người thân của em bé tố cáo thì người phụ nữ trong clip sẽ bị xử lý thế nào?, luật sư Tuấn Anh cho biết: Đối với trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi, chỉ cần có thương tích trên cơ thể, không cần phải có kết quả giám định thương tật đủ 11% trở lên, đã có thể khởi tố tội "Cố ý gây thương tích" theo Khoản 1, Điều 104 BLHS đối với người gây ra hành vi phạm tội.
Ngoài ra, nếu trong quá trình điều tra và giám định, khi thương tật chưa đến mức phải khởi tố tội "Cố ý gây thương tích", thì đối tượng phạm tội cũng sẽ bị khởi tố tội "Hành hạ người khác" theo Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Ngoài ra, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật Chính Pháp còn cho rằng, nếu người giúp việc là nhân viên thuộc công ty môi giới thì cần phải xem xét về trách nhiệm của công ty trong vụ việc này. Cơ quan công an cũng cần xác minh, làm rõ công ty giới thiệu người giúp việc này có chức năng môi giới người giúp việc không và đã đăng ký kinh doanh hay chưa? Bên cạnh đó, cần xem xét lý lịch và tiểu sử của người giúp việc trong hồ sơ người lao động của công ty.
Thông thường thì một người bình thường khó có thể thực hiện hành vi vô nhân tính như vậy, do đó nếu công ty môi giới tuyển dụng một người có tiền sử, dấu hiệu tâm thần vào làm việc thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó nếu có thiệt hại xảy ra thì công ty phải bồi thường cho gia đình cháu bé do hành vi của người làm công gây ra, sau đó sẽ xem xét lỗi của người làm công để xác định trách nhiệm liên đới về bồi thường giữa công ty và người làm công theo quy định của Bộ luật dân sự.
"Qua clip phát tán trên mạng xã hội và thông tin báo chí phản ánh, có thể thấy hành vi của người giúp việc dùng tay đánh vào người của cháu bé, đặc biệt là đánh vào phần đầu, cổ, lưng... và tung người cháu lên cao nhiều lần là một hành vi man rợ, tàn nhẫn, vô cùng nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây chấn thương nặng cho cháu bé và để lại hậu quả lâu dài cho sự phát triển thể chất, tinh thần của cháu bé" - ông Cường nhận định.
Trước đó như Báo Giao thông đã đưa tin, tối 22/11, chị Ph. (phường Quang Trung, TP Phủ Lý, Hà Nam) đã đăng tải lên mạng xã hội facebook cá nhân clip một người nữ giúp việc bạo hành một bé gái sơ sinh mới hơn 1 tháng tuổi (sinh ngày 5/10/2017). Theo hình ảnh trong clip, khi bé gái khóc, người giúp việc tên H. đã không dỗ dành mà liên tục dùng tay đánh vào lưng, mông, tát vào mặt bé gái. Sau đó, người này còn tung bé gái khoảng 10 lần lên không trung, rồi tiếp tục đánh vào lưng, mặt và chửi bới.
Theo chị Ph., người giúp việc tên H. (57 tuổi, quê Nam Định, được gia đình chị Ph. thuê từ 2 tháng nay). Việc bà H. bạo hành con chị Ph. được phát hiện khi chồng chị Ph. xem lại camera an ninh của gia đình.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, chị Ph. đã trình báo công an và đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Đến sáng 23/11, chị Ph. đã xóa clip trên trang cá nhân của mình và không trả lời báo chí.
Tuy nhiên, theo Trung tá Lê Đức Tùng, việc chị Ph. xóa clip không quan trọng và cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, nếu làm rõ được hành vi sai phạm của người bạo hành, cơ quan chức năng vẫn xử lý thích đáng.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Điều 110. Tội hành hạ người khác 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận