Đã có quy định nghề nghiệp, nhưng người giúp việc gia đình vẫn bị “bỏ quên” |
Người giúp việc không biết, chính quyền không hay
Bà Nguyễn Thị Minh (quê Hà Nam) đã lên làm giúp việc gia đình cho người quen tại Hà Nội đã gần ba năm nay cho biết, chưa từng nghe đến thông tin phải có hợp đồng lao động với chủ nhà, được đòi hỏi thời gian làm việc không quá 8 tiếng/ngày, mỗi tuần không quá 40 giờ; rồi lương tăng thêm nếu làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ ra sao... “Có quy định ký hợp đồng lao động, mua bảo hiểm cho osin như chúng tôi thì tốt quá, nhưng ai sẽ ép chủ nhà mua cho chúng tôi?”, bà Minh hoài nghi.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Chiều (quê Ninh Bình) hiện đang được một gia đình ở phố Đội Cấn (Hà Nội) thuê chăm sóc một cụ già bị ốm cho hay. Công việc của chị không thể quy ra giờ giấc, ngày nghỉ, cứ khi nào người bệnh cần trợ giúp là phải có mặt. Chị Chiều băn khoăn: “Tôi được trả lương 4 triệu/tháng, ăn nghỉ miễn phí, tôi hài lòng với công việc này. Được ký hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế, xã hội… thì còn gì bằng, nhưng ai lo cho?”.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, cả nước hiện có tới 260.000 người lao động giúp việc nhà. Đến năm 2015, con số này có thể lên đến 400.000 người. |
Trong lúc đó, UBND xã, phường, thị trấn - nơi được giao trách nhiệm quản lý, thực hiện pháp luật quy định giúp việc gia đình theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH, dường như vẫn chưa nắm rõ các quy định. Khảo sát tại nhiều phường, xã ở Hà Nội, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu khi nói về quy định này.
Tại UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), khi trao đổi về việc triển khai các quy định về người giúp việc, anh Nguyễn Vũ Hoàng, cán bộ Văn phòng - thống kê của phường cho hay: “Mới loáng thoáng nghe qua chứ phường chưa nhận được chỉ đạo thực hiện gì về vấn đề này”. Chị Nguyễn Thanh Hằng, cán bộ phụ trách mảng Lao động, Thương binh, chính sách phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng khẳng định: “Phường cũng chưa nhận được chỉ đạo cụ thể nào về việc quản lý người giúp việc gia đình”.
Chật vật triển khai
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết, Bộ chỉ có trách nhiệm ban hành Thông tư, còn việc triển khai là của UBND các cấp. Tại Hà Nội, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách, lao động - việc làm, Sở LĐ, TB&XH thành phố cho hay, Sở vừa mới triển khai tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ các quận, huyện về công tác này; sau đó, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai xuống cơ sở. Ông Thanh giới thiệu, quận Long Biên là một địa bàn tiên phong triển khai Nghị định 27/2014/NĐ-CP về tới phường, xã.
Thế nhưng, theo ông Ngô Xuân Sinh, Phó chủ tịch UBND phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội), hiện phường rục rịch chuẩn bị rà soát, thống kê số lượng cụ thể các gia đình có sử dụng người giúp việc, sau đó mới tiếp tục tổ chức các hoạt động khác như tuyên truyền, kiểm soát, quản lý… Theo ông Sinh, với cơ chế nhân sự như hiện nay, mỗi phường chỉ có một cán bộ chuyên trách mảng Lao động, thương binh, chính sách thì đầu việc đã vô cùng nhiều (chiếm tới 60% công việc phải giải quyết ở phường) giờ tiếp tục được giao trách nhiệm quản lý, kiểm soát và xử lý các vụ việc liên quan đến người giúp việc theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH thì “quá tải”.
“Với nguồn nhân lực hạn chế, để triển khai tiếp cận đối tượng sử dụng lao động và người lao động cần phải huy động sự vào cuộc của các các khối đoàn thể cơ sở… do vậy cũng cần bổ sung thêm hướng dẫn về chi ngân sách. Hơn nữa, thực tế cho thấy, đây là công việc đặc thù, nên rất khó để chính quyền yêu cầu phải thực hiện các quy định mới”, ông Sinh nhìn nhận.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận