Bạn cần biết

Người hùng cứu 8 người bị TNGT từng ngồi tù

07/07/2017, 07:25

Ít ai biết rằng, anh Lê Thanh Tùng, người hùng cứu 8 người trong vụ TNGT, từng ăn cơm tù vì làm lâm tặc.

1

Người hùng cứu nạn Lê Thanh Tùng cầm trên tay đơn thuốc chống phơi nhiễm HIV sau khi cứu các nạn nhân (trong đó có 1 nạn nhân bị HIV tử vong) trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ngày 30/6 tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum - Ảnh: Vĩnh Yên

Từ ngày ra tù, anh đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống…

4 người một nhà phơi nhiễm HIV vì cứu người

Căn nhà nhỏ của anh Lê Thanh Tùng nằm bên góc cua hẹp của đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 11, xã Đắk Hring. Lúc chúng tôi tìm đến, dù mệt mỏi bởi phản ứng phụ của thuốc phòng chống phơi nhiễm HIV nhưng Tùng vẫn cố gắng chạy xe chở hàng kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Lái (bố anh Tùng) và bà Nguyễn Thị Tranh (mẹ anh Tùng) cho biết, hoàn cảnh của vợ chồng Tùng thuộc diện khó khăn. Hàng ngày, Tùng chạy xe tải để kiếm sống. Ai gọi chở hàng thuê thì đi. Còn vợ anh, chị Trần Thị Như (21 tuổi) làm công nhân cao su của Nông trường cao su Đắk Hring. “Cháu nó sinh con thứ hai chưa đầy tháng. Đứa con đầu của hai vợ chồng mới được 2 tuổi. Hai đứa nó cũng vất vả lắm”, bà Tranh nói và cho biết, ngoài chạy xe tải chở hàng, Tùng còn phụ gia đình bán hàng (gia đình anh có một cửa hàng ngay cạnh đường Hồ Chí Minh), cũng như đi mua bán bò giống, bò để mổ.

Ông Lái đưa chiếc điện thoại có nhiều hình ảnh và video quay lại hiện trường vụ TNGT trưa 30/6 rồi kể: “Nhà tôi cách đó gần 200m. Khi đang ở nhà thì nghe tiếng nổ lớn nên mọi người chạy ra, nhìn xuống dốc thì phát hiện vụ tai nạn. Không ai bảo ai, tất cả chạy xuống coi tình hình ra sao...”.

“Thằng Tùng chạy về lấy xe tải BKS 43H-2137 quay lại hiện trường, trực tiếp cùng nhiều người trong gia đình và người dân nhanh chóng đưa các nạn nhân lên xe chở đi cấp cứu”, ông Lai nói và cho biết thêm, rất nhiều người trong gia đình ông giúp cứu người bị nạn lúc ấy.

“Nhà tôi có 7 người tham gia giúp đỡ đưa các nạn nhân đi bệnh viện, trong đó 5 người được chính quyền tặng giấy khen. Nhưng cũng vì giúp đỡ nạn nhân vụ TNGT đó nên có tới 4 người trong gia đình tôi phải uống thuốc phơi nhiễm để phòng HIV lây sang khi tiếp xúc với một nạn nhân bị bệnh”, ông Lai nói.

2

Anh Lê Thanh Tùng (phải) trao đổi với PV Báo Giao thông về việc cứu nạn nhân TNGT trên đường Hồ Chí Minh

Người hùng cứu nạn

Căn nhà của anh Lê Thanh Tùng mấy hôm nay đông người đến thăm hỏi, quán nước nhỏ lúc nào cũng nhiều người ghé qua. Thế nên, khi chúng tôi tìm đến, nhiều người cứ giành nhau bắt chuyện. Một người bạn của Tùng khi gặp chúng tôi bộc bạch: “Hắn bình thường hiền lành. Ăn nói đôi lúc cộc lốc, nhưng sống đàng hoàng, sòng phẳng, chơi kiểu quân tử, nói là làm”. Một người bạn khác của Tùng cho biết thêm: “Hồi xưa hắn phải vào tù vì làm lâm tặc. Cải tạo tốt nên được ra tù sớm. Rồi hắn lấy vợ, có con, tu chí làm ăn. Nhưng tính hắn trước nay vẫn thế, cộc lốc nhưng rất tốt tính...”.

"Trong nhiều năm qua, anh Tùng cùng người thân trong gia đình đều tham gia cứu người trong các vụ tai nạn xảy ra tại đoạn đường này. Gần đây nhất là trường hợp 2 người ở xã Đắk Pxi bị xe ô tô tông chết sau khi mới ăn cơm từ trong quán ra, tại Km 1522+700, đường Hồ Chí Minh cũng thuộc thôn 11 xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, cách vị trí vụ tai nạn hôm 30/6 khoảng 200m. Trước đó, anh Tùng cũng tham gia cứu người trong vụ TNGT liên hoàn làm 2 người chết và nhiều người bị thương xảy ra ngày 9/6/2015 trên cung đường này."

Ông Nguyễn Xuân Hướng
Chánh văn phòng
Ban ATGT tỉnh Kon Tum

Chúng tôi ngồi đợi hồi lâu thì Tùng chở một con bò vừa mổ xong về nhà để vợ bán buổi chiều. Tùng trước mặt chúng tôi là một thanh niên khá lầm lỳ, tay xăm trổ, lâu lâu lại vớ gói thuốc quẹt hút phì phèo. Anh trực tính đến nỗi không kìm được, thế nên lâu lâu lại văng ra vài câu chửi thề. “Khi ở nhà nhìn thấy vụ tai nạn, tôi chạy xe máy xuống. Đập vào mắt mình là cảnh tượng kinh hoàng. Hai chiếc xe biến dạng, người nằm trên xe kêu khóc, người thì ôm bụng, ôm đầu... Cảnh tượng khi đó tan hoang quá. Lúc ấy, tôi thấy mấy người xúm lại xem. Có người lạ lắm, thấy người ta bị tai nạn không cứu còn cầm điện thoại lên chụp ảnh. Người ta đau đớn, máu me, gào khóc như thế phải lao vào giúp chứ? Tôi thấy phản cảm quá, nên lớn tiếng chửi một câu rồi chạy về nhà lấy xe tải ra hiện trường chở người bị nạn đi ngay”, Tùng kể.

“Lúc đó, tôi bảo mấy người ở gần cùng ôm 8 người bị thương nặng lên thùng xe rồi nhanh chóng chở đi viện trước, rồi sau đó sẽ về chở những người thương tích nhẹ hơn. Khi đã chuyển 8 nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà và cùng mọi người khiêng các nạn nhân vào khu vực cấp cứu. Lúc đang quay xe để chạy về chở tiếp thì gặp xe của CSGT chở nạn nhân tên M. (tử vong tại hiện trường) vừa đến, nên tôi và một anh tên Đức (người nhà bệnh nhân điều trị tại đây) tiếp tục đưa nạn nhân vào bên trong.

“Giúp người thì giúp đến tận cùng”, nói với chúng tôi, Tùng chẳng cần lí lẽ, cứ thẳng ruột ngựa: “Lúc ôm thi thể không toàn vẹn của người tử nạn lên, xuống xe để đưa vào phòng cấp cứu, mình cũng không nghĩ gì nhiều và thực ra cũng đâu có thời gian để mà sợ, chỉ đơn giản là làm sao nhanh nhất để bác sĩ tiếp nhận cấp cứu thôi. 8 nạn nhân nặng nhất trên chuyến xe tôi chở đi cấp cứu có 3 người sau đó cũng không qua khỏi. Đưa đến bệnh viện, giữa lúc họ nằm bất tỉnh ở một chốn xa lạ như thế, tôi chợt nghĩ phải bằng cách nào đó báo tin. Thế rồi, tôi lục tìm được 3 chiếc điện thoại của nạn nhân để báo tin…”, Tùng nhớ lại.

“Lúc bắt máy và nghe điện thoại từ tôi - một người xa lạ, không hề biết tên tuổi của người thân họ, những người nhà của nạn nhân rất lo lắng. Có người cáu gắt khi người ta nhận được tin dữ với những câu hỏi như: Anh là ai? Tại sao lại cầm điện thoại con tôi? Con tôi sao rồi?... Tôi cố gắng bình tĩnh và giải thích để họ yên tâm khi biết người thân mình vẫn... ổn?”, Tùng kể và bộc bạch thêm, sau vụ tai nạn, khi đưa những thông tin đầu tiên về việc bị phơi nhiễm HIV, có người nhà của nạn nhân được tôi cứu giúp đã điện thoại hỏi tôi cần bao nhiêu tiền. Nếu tôi gật đầu là họ chuyển ngay không ngần ngại...”, Tùng nói.

Người hùng phẫn nộ

Sau TNGT, đến chiều 30/6, anh Tùng cùng gia đình mới nghe công an thông báo phát hiện túi nạn nhân tên M. tử vong có giấy tờ khám điều trị HIV. Công an cũng yêu cầu anh cùng những ai tham gia đưa nạn nhân này cấp cứu nhanh chóng tắm sạch sẽ và đến Trung tâm Y tế để tư vấn việc sử dụng thuốc phơi nhiễm HIV, xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm phòng HIV. “Lúc nghe thông tin ấy, tôi sợ lắm. Hồi giờ biết nó nguy hiểm nên lo lắng đến mức bức bí trong người”, Tùng nói.

Vào khoảng 12h ngày 30/6, tại Km1522 thuộc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn 11, xã Đắk Hrinh, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), hai chiếc xe khách 16 chỗ BKS 82B-002.45 của nhà xe Vạn Thành đang lưu thông theo hướng từ huyện Đắk Tô về TP Kon Tum đã tông vào xe khách BKS 82B-002.23 của nhà xe Mạnh Tiến lưu thông hướng ngược lại. Vụ TNGT khiến 4 người tử vong và 10 người khác bị thương. Đặc biệt, trong số nạn nhân của vụ tai nạn có một hành khách tử vong bị nhiễm HIV. Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum sau đó đã tổ chức xét nghiệm và cấp thuốc phơi nhiễm chống lây nhiễm HIV cho 36 người gồm 25 cán bộ ngành Y, 10 người dân và 1 cán bộ công an.

“Thế nên, sau 2 lần tư vấn để sử dụng thuốc phơi nhiễm phòng HIV và nhận được thông tin buộc phải trả tiền nên tôi rất bức xúc. Có lúc, tôi nghĩ chả lẽ mình “làm phúc gặp họa”. Tôi đi cứu người gặp nạn là giúp người chứ có phải chích hút, nghiện xì ke ma túy đâu? Tôi giúp người ta như thế thì Nhà nước phải giúp lại tôi. Chứ như thế này, sau này có tai nạn ai dám vào cứu”, Tùng lý lẽ.

“Tôi bức xúc và bực mình khi nghe bên công an nói là được uống thuốc phơi nhiễm miễn phí, nhưng bác sĩ tư vấn lại nói tôi không thuộc đối tượng được hưởng theo quy định. Như thế, thì sai rồi đúng không”, Tùng hỏi ngược lại chúng tôi.

Và cũng tối 30/6, “người hùng” trong vụ tai nạn vô tình than vãn trên facebook với những dòng bức xúc khiến dư luận dậy sóng. “Lúc đó, tôi chỉ muốn sụp đổ. Mong rằng tiếng nói đó sẽ được chính quyền thấu hiểu”, Tùng nói tiếp: “Thực ra, lúc đó tôi phải bỏ tiền ra để cứu mình trước đã. Tôi cũng không nghĩ nhiều và chỉ biết tự an ủi bản thân đã cứu được nhiều người... Giả sử khi đó, nếu biết có trường hợp nhiễm HIV thì cũng phải cứu thôi. Ai cũng làm vậy cả. Bởi, cứu người là quan trọng nhất...”, Tùng nói và cho biết, bản thân hoàn toàn thông cảm với người đã từ chối cấp thuốc chống phơi nhiễm HIV cho mình, bởi họ làm đúng nhưng quá cứng nhắc mà thôi.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.