Lao vào nước lũ cứu dân
“Dù đã sát trùng thường xuyên nhưng bàn tay đang có dấu hiệu sưng mủ, đau và khó chịu lắm, nhưng mà dân đang cơ cực, mình ngồi nhà cũng không yên, phải đi tiếp tế đồ ăn, nước uống thôi”, anh Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An – nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng vào rạng sáng ngày 2/10) vừa bê bao gạo, vừa nói.
Anh Truyền và bàn tay bị thương lúc cứu dân trong lũ
Anh Truyền là một trong những người vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen vì có hành động dũng cảm, cứu nạn thành công những người bị mắc kẹt, cô lập giữa dòng nước lũ tại bản Hòa Sơn.
Lau dòng mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt hốc hác vì nhiều đêm thiếu ngủ, anh Truyền kể: Khoảng 1- 2h sáng 2/10, khi anh đang ngủ thì nhận được điện thoại của anh Hạ Bá Thái - Chủ tịch UBND xã Mường Típ (đi công tác ở huyện, trọ ở bản Sơn Hà – đầu nguồn lũ) đánh thức vội vàng: "Dậy em ơi, kêu bà con chạy đi, nước về mạnh lắm, sập nhà trên đây rồi".
Điện thoại vừa tắt, anh Truyền cùng vợ bật dậy chạy ra xem thì nước lũ trên suối Huồi Giảng chảy cuồn cuộn, một số nhà sát bờ đã bị ngập. Anh liền dùng loa để thông báo cho những hộ dân ở khu vực nguy hiểm khẩn trương sơ tán.
Cho đến khoảng 5h, nước lũ lại ầm ầm đổ xuống rồi cầm chừng cho đến 7h thì xối xả như thác. Lúc này điện lưới bị mất, rất nhanh trí, anh dùng loa tay chạy đi cảnh báo để những hộ dân còn lại lập tức rời khỏi nhà.
Trên đường đi, anh phát hiện nhiều người đang bị mắc kẹt bên trong ngôi nhà của ông Lô Trọng Hải. Từng đợt lũ dữ cứ chồm lên, chờ chực nuốt trọn ngôi nhà và những người bên trong.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư khen những "người hùng" giúp dân trong đợt lũ kinh hoàng vừa qua
Trước tình thế nguy cấp, anh Truyền không chút chần chừ, lao vào dòng nước lũ hung bạo, bám vào vách nhà để tiếp cận với mọi người.
Ngay sau đó, anh Truyền hô hoán, gọi thêm một số thanh niên, trai tráng trong bản khẩn trương dùng dây và thang để dìu từng người ra khỏi ngôi nhà đang bị cô lập giữa cơn lũ dữ.
9 người dân, gồm vợ chồng ông Hải và 7 cháu học sinh vừa ra khỏi vùng nguy hiểm, thì anh Truyền lại phát hiện thêm nhiều người đang kêu cứu trong ngôi nhà sàn của gia đình ông Vi Văn Hùng. Nguy hiểm hơn là ngôi nhà đã bị dòng nước lũ vây quanh tứ phía.
Không phút nghỉ ngơi, anh Truyền liền bố trí các thanh niên sử dụng dây và thang, tiếp cận ngôi nhà. Sau những giây phút vật lộn với dòng nước lũ hung dữ, tất cả mọi người, trong đó có 2 trẻ sơ sinh, đã được đưa ra khỏi nhà, đến nơi tạm an toàn.
“Lúc đó, mọi người trong nhà ai cũng hoảng loạn khiến việc đưa người ra ngoài gặp thêm rất nhiều khó khăn. Chúng tôi vừa phải trấn an tinh thần, vừa dùng hết sức để đưa từng người một ra ngoài”, anh Truyền nói rồi cho biết thêm: Trong lúc nhảy qua bờ rào, tay anh chạm phải đinh, bị cứa đứt cả lòng bàn tay.
Ông Tiệp (bìa phải) kể lại quá trình lũ về
Phát loa kêu gọi bà con chạy lũ
Cũng như anh Truyền, ngay từ đêm 1/10, khi đợt lũ thứ nhất đổ về, ông Lô Văn Tiệp, Bí thư kiêm Khối trưởng khối phố 1 (thị trấn Mường Xén) đã phát loa cảnh báo mọi người, kê đồ đạc lên cao.
Đến khoảng 1h30 ngày 2/10, người dân vùng bị ngập cơ bản đã thu dọn đồ đạc xong, mọi người đã ai về nhà nấy.
Thế nhưng, sau đó không lâu, trời lại mưa nặng hạt, trận lũ thứ 2 đổ về. Ông Tiệp chạy ra xem thì thấy nước lũ đã tràn lên đến ngã ba đường QL7A, đoạn trước mặt trụ sở UBND huyện.
Không ngại nguy hiểm, ông Tiệp vội vàng chạy vào nhà văn hoá khối phố, phát loa thông báo nhiều lần cho người dân biết.
“Nghe loa, nhiều gia đình được đánh thức đã vội vàng đi lánh nạn. Sau đó không lâu thì lũ về ầm ầm nhưng thác đổ, không ai ra đường được nữa”, ông Tiệp kể.
Trong đợt mưa lũ được đánh giá là khủng khiếp nhất từ trước tới nay ở Kỳ Sơn, ngoài anh Truyền, ông Tiệp, còn nhiều tấm gương sáng khác đã dũng cảm, lao vào dòng lũ để thông báo, cứu dân.
Chủ tịch huyện tặng giấy khen cho anh Truyền và anh Hương (Ảnh IT)
Điển hình như các anh Lê Minh Hương (công dân ở bản Hòa Sơn), Mùa Bá Chò (công dân bản Sơn Hà), đều ở xã Tà Cạ… Trong đó, anh Chò chính là người đã tìm thấy và vớt được thi thể bé Mùa Ngọc Châu (4 tháng tuổi, ở bản Sơn Hà) trong dòng nước lũ. Sau khi lũ rút, các anh lại vội vàng đi đến từng nhà, giúp dọn dẹp đồ đạc, đưa đồ tiếp tế…
Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong đợt lũ vừa qua, các lực lượng ở trong các thôn, bản của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt là những người đứng đầu thôn bản, cũng như khối phố đã kịp thời thông báo, cảnh báo cho bà con sơ tán nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người.
“Nếu không có sự nhiệt huyết, lòng dũng cảm của các anh thì thiệt hại của trận lũ quét vừa qua là rất khó lường. Tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc vì nhân dân của họ”, ông Minh nói.
Rạng sáng ngày 2/10, tại địa bàn xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã xảy ra nhiều đợt lũ quét kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Theo thống kê ban đầu, có 1 cháu bé 4 tháng tuổi bị lũ cuốn trôi, tử vong; 55 ngôi nhà bị trôi, sập hoàn toàn; 141 bị ngập, sạt lở, hư hỏng nặng; phải di dời 36 nhà… ước tính thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, tỉnh Nghệ An đã huy động các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an… khẩn trương có mặt giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả; rất nhiều địa phương trong cả nước, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân cũng đã có mặt để ủng hộ, sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh, để bà con vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận