Một ca tự ý sinh tại nhà theo truyền bá của Lê Nhất Phương Hồng |
Người gây nhiều tranh cãi về quan điểm "thuận tự nhiên"
Lê Nhất Phương Hồng được mọi người biết đến là một "chuyên gia" về sữa mẹ. Trước đó, facebooker này là một Thạc sĩ công nghệ thông tin.
Lê Nhất Phương Hồng là một người có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều "mẹ bỉm sữa Việt Nam", trong đó có việc khởi xướng nhiều trào lưu "thuận tự nhiên” như “sinh con thuận tự nhiên"" hay thần thánh hóa công dụng sữa mẹ cũng như nói không với tiêm phòng vaccine…
Từ tháng 10/2013, Lê Nhất Phương Hồng là người sáng lập ra “Hội nuôi con sữa mẹ Betibuti” đến nay có hội thu hút hơn 250.000 thành viên. Lê Nhất Phương Hồng luôn luôn ủng hộ và đề cao việc nuôi con bằng sữa mẹ, hay việc để em bé tiếp xúc da liền da với người mẹ sau khi sinh. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của rất nhiều mẹ bỉm sữa.
Lê Nhất Phương Hồng nói về "sữa giúp tái tạo ngón tay cho trẻ"? |
Tuy nhiên, việc thần thánh hóa công dụng của sữa mẹ như có tác dụng chữa bệnh hay trẻ em có thể mọc lại đốt tay… lại gây nhiều ý kiến trái chiều và được các chuyên gia y tế đánh giá là phản khoa học.
Chuyên gia sữa mẹ này từng nói: "Những mô tái tạo hoặc sinh tạo trong cơ thể phải nhờ có tế bào gốc. Trẻ con có nhiều tế bào gốc hơn người lớn. Tế bào gốc trẻ còn nhận là tự đâu? Chính là sữa mẹ đấy, chỉ có sữa mẹ mới có tế bào gốc của con người”. Tuy nhiên, ngay khi quan điểm này được bày tỏ trên trang Facebook cá nhân của bà Phương Hồng đã nhận nhiều "gạch đá" vì những lập luận phản khoa học.
Lê Nhất Phương Hồng cũng cổ vũ mạnh cho trào lưu sinh nở tự nhiên, không cắt cuống rốn ngay sau khi sinh mà tiếp tục để dây rốn nối liền với cơ thể trẻ giống như việc đẻ tự nhiên của các "mẹ bỉm sữa" phương Tây.
Sự truyền bá của Lê Nhất Phương Hồng đã hình thành lên những nhóm bà mẹ bỉm sữa "cuồng sữa mẹ", thậm chí có những bà mẹ có con sốt co giật nhưng vẫn tin tưởng vào tư vấn của bà Lê Nhất Phương Hồng thay vì đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ.
Bà Lê Nhất Phương Hồng được biết đến như "chuyên gia" về sữa mẹ đầu tiên trong cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những chứng chỉ mà chuyên gia này đưa ra chỉ là một số chứng chỉ đào tạo theo giờ. Ví như: Chứng nhận hoàn thành khóa học "Food as Medicine" của ĐH Monash (khóa học online có thời lượng 12 giờ); chứng chỉ tham gia hoạt động "Introduction to Food and Health" của ĐH Stanford (khóa học miễn phí thời lượng 2,5 giờ); khóa học "Programming for Infant and Young Child Feeding" (thời lượng 14 giờ).
Lạm dụng quan điểm "thuận tự nhiên"
BS. Lương Quốc Chính, BV Bạch Mai chia sẻ: "Trong vài năm gần đây, mạng xã hội nói chung và truyền thông nước nhà nói riêng đã và đang dùng rất nhiều thông điệp sai nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn khiến cho cộng đồng hiểu nhầm và âm thầm gây hại cho xã hội.
Điển hình gần đây có thuật ngữ "Thuận tự nhiên" trong sinh nở. Nghe có vẻ rất lành mạnh nhưng thực ra đây là một quan điểm hết sức ngu ngốc, nhất là đối với con người.
Không phải bỗng nhiên các cụ có câu "Chửa là cửa mả". Ngày xa xưa ấy, khi y học chưa phát triển, hệ thống y tế còn lạc hậu, hầu như người phụ nữ chỉ có thể sinh nở trong điều kiện hết sức thiếu thốn, thuận với tự nhiên như đối với loài vật hoang dã.
Tỷ lệ tử vong mẹ và sơ sinh thời kỳ đó rất cao, thuận với tự nhiên theo đúng quy luật sinh tồn, chỉ có những thai phụ khỏe mạnh, thai nhi phát triển bình thường và ngôi thai thuận... mới có nhiều cơ hội "Mẹ tròn con vuông".
Thuật ngữ "Thực phẩm sạch", "Thực phẩm bẩn", "Rau sạch", "Rau bẩn", "Thịt sạch" và "Thịt bẩn"... cũng là những thông điệp ngu ngốc như thế. Không thể dùng chữ sạch để truyền thông tới cộng đồng, chữ sạch ở đây về ý nghĩa chỉ là nhìn bề ngoài, nhưng bản chất thì hết sức khó lường.
Không phải bỗng nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng thuật ngữ "Safe food" (Thực phẩm an toàn) hoặc "Unsafe food" (Thực phẩm không an toàn) để giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, chỉ những thuật ngữ như thế mới có thể giúp cộng đồng hiểu được bản chất những mối nguy hại mà từ đó có thể phòng tránh đúng cách", vị bác sĩ này cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận