Liên quan đến vụ việc bờ tường đổ đè tử vong bé gái lớp 6 ở Thái Bình, hiện Công an huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) đã tạm giữ Nguyễn Văn Kiên (20 tuổi, trú thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng). Kiên bị cáo buộc lái máy xúc làm tường đổ, đè chết bé gái 11 tuổi.
Kiên bị Công an huyện Đông Hưng tạm giữ ngày 24/11. Tại cơ quan công an, Kiên khai nhận chiều 22/11, đã lái máy xúc chế từ máy nâng để xúc đá xây dựng đổ vào xe cải tiến. Trong khi thao tác, gầu xúc va chạm làm đổ bức tường bao.
Đúng lúc này, Vũ Thị H. (11 tuổi, lớp 6 Trường THCS Phong Châu), khi đi xe đạp ngang qua bị bức tường đổ đè tử vong. Sau sự cố, Kiên sợ hãi đóng cửa bãi vật liệu xây dựng, bỏ về nhà.
Qua thông tin của người dân cũng như dữ liệu camera an ninh của cửa hàng vật liệu xây dựng Hoa Tỵ do ông Nguyễn Văn Tỵ (SN 1965, là bố Kiên) làm chủ, cơ quan chức năng đã xác định bức tường đổ do Kiên gây ra.
Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với những gì báo chí đã thông tin, người làm đổ tường khiến cháu bé 11 tuổi tử vong hoàn toàn có thể bị khởi tố để điều tra về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
"Về ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin", luật sư Bình phân tích.
Phân tích vào trường hợp cụ thể này, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ người lái máy xúc làm chết người do cẩu thả hay do quá tự tin để từ đó có căn cứ để áp dụng hình thức xử phạt.
“Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”, luật sư Bình phân tích.
Về tình tiết người lái máy xúc khi làm đổ tường rồi tường đè vào cháu bé 11 tuổi đã không đến cứu giúp cháu bé thì luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ người lái máy xúc này có biết cháu bé bị tường đè lên người hay không.
"Nếu người lái máy xúc biết cháu bé bị tường đè mà không đến cứu giúp thì hoàn toàn có thể bị xem xét truy tố hành vi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn", luật sư Bình cho hay và nhấn mạnh, Bộ luật hình sự quy định, người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì bị phạt tù từ 3-10 năm (tại Mục c, Khoản 2, Điều 260).
"Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm", luật sư Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận