Dệt may được nhìn nhận là một ngành có triển vọng xuất khẩu lớn, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhất là khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015, tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay: “Việc có tăng lương được hay không còn phụ thuộc vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, phụ thuộc vào năng suất lao động. Vì nếu doanh nghiệp tăng lương mà chất lượng lao động không cải thiện thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không cạnh tranh được với các nước, dẫn tới đóng cửa doanh nghiệp. Khi đó, lao động không những không được tăng lương mà còn mất việc”.
Theo phân tích của ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, dù có lực lượng lao động dồi dào với hơn 53 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 18% lao động Việt Nam đã qua đào tạo. Đó chính là một rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.
Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Eurocham (Phòng thương mại châu Âu) cho hay, gần 30% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp và nhân viên văn phòng bởi người lao động thiếu kỹ năng làm việc thực tế như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng dụng công nghệ mới, ý thức làm việc… Phần lớn lao động được tuyển dụng đều phải đào tạo lại.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, trong những năm qua, mặc dù kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhưng GDP trên đầu người, năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn thấp. Chính điều này giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và gây khó khăn cho việc nâng cao mức lương cho người lao động. “Tăng năng suất lao động chính cơ sở để tăng lương cho người lao động. Và để tăng lao suất lao động thì không còn cách nào khác là phải tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với chính sách việc làm, tăng cường thương lượng tiền lương”, ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận