Và năm nào cũng thế, vào dịp Quốc khánh 2/9, cụ lại đến Đại sứ quán để sống lại những ngày ở Việt Nam.
Nụ cười của người Việt - hành trang cuộc đời
Việt Nam - Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một loạt các chuyến thăm tới các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới. Chuyến thăm đầu tiên của Người năm 1955 là đến Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ. Sau đó vào năm 1957, 1958 là các chuyến thăm tới các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Ấn Độ và Myanmar.
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 triệu USD, 164 doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư khoảng 33 triệu USD vào Mông Cổ.
Một ngày cuối tháng Tám, đang tất bật chuẩn bị cho lễ kỷ niệm quốc khánh 2/9, tôi bỗng nhớ đến cụ Seilkhan. Và như thần giao cách cảm, tiếng chuông ở cổng Đại sứ quán đổ vang. Cụ Seilkhan xuất hiện, vẫn với nụ cười đôn hậu, ngực đeo đầy huân chương và luôn mang theo chiếc cặp đựng kỷ vật về Việt Nam.
Bước vào phòng khách, chưa kịp uống nước, vẫn còn thở hổn hển, cụ đến trước bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắp tay lầm rầm khấn vái. Cụ khấn bằng tiếng Mông Cổ, tôi không biết cụ nói gì, chỉ nghe được mấy tiếng “Việt Nam, Mongol”, “Hồ Chí Minh”, nét mặt nghiêm trang, thành kính...
Cụ Seilkhan năm nay đã hơn 90 tuổi, sinh sống ở tỉnh Bayan - Ulii của Mông Cổ, cách Thủ đô Ulan Bator gần 2.000km. So với những lần gặp trước, cụ Seilkhan đã yếu hơn nhiều, trí nhớ cũng giảm, cầm chén nước tay cụ run run. Nhưng khi kể cho tôi câu chuyện về chuyến áp tải đàn gia súc sang Việt Nam do Nhà nước và nhân dân Mông Cổ ủng hộ nhân dân Việt Nam, tôi thấy cụ như trẻ lại. Hào sảng và đầy hứng khởi, ký ức về những ngày ở Việt Nam trong cụ vẫn còn nguyên vẹn…
Đó là năm 1959. Bí thứ nhất Đảng Nhân dân cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHND Mông Cổ Yu. Tsedenbal sang thăm Việt Nam và đã tặng cho nhân dân Việt Nam 100.000 con gia súc. Cuối năm 1959, lô gia súc đầu tiên 800 con (gồm: Ngựa, cừu, bò, lạc đà) được đưa lên tàu hỏa vận chuyển sang Việt Nam. Lúc đó cụ Seilkhan 31 tuổi, công tác trong lực lượng an ninh được phân công nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn áp tải đàn gia súc.
“Sau 19 ngày, khi tàu đến ga biên giới Việt Nam, chúng tôi đã thấy rất đông các đồng chí Việt Nam đến đón. Vừa bước chân xuống tàu, mọi người chạy ùa đến, ôm lấy chúng tôi, bắt tay cười nói vô cùng vui vẻ. Khi nhìn thấy con lạc đà, ai cũng thích thú, muốn sờ tận tay, niềm vui lan tỏa sang cả chúng tôi. Những cái bắt tay, ôm hôn thân thiết đã xóa đi khoảng cách giữa những người xa lạ. Tôi thấy tự tin, ấm áp và sung sướng vô cùng. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Việt Nam”, cụ Seilkhan móm mém cười chia sẻ.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi được đi thăm Hà Nội, đến những vùng quê Việt Nam, gặp những người nông dân đang cày ruộng... “Lúc ấy so với Mông Cổ thì nhân dân Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, nhưng đến đâu cũng gặp những nụ cười, được đón tiếp như khách quý. Đói thế sao người dân vẫn cười? Phải chăng đó là cốt cách lạc quan của người Việt. Và từ đó ấn tượng về nụ cười của người Việt đã theo tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, cụ Seilkhan nói.
Khoảnh khắc bên Hồ Chủ tịch - dấu ấn trong tim
Vì sao chưa kịp nghỉ ngơi, uống nước cụ đã viếng lạy Hồ Chủ tịch? Tôi hỏi. Nở nụ cười tươi rói, cụ Seilkhan bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đáng kính. Rồi cụ kể tiếp…
Khi về đến Hà Nội, đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tại Phủ Chủ tịch.
“Một ông già râu tóc bạc phơ, trong bộ quần áo kaki giản dị xuất hiện, tôi không ngờ đó lại là lãnh tụ của Việt Nam. Câu đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi, các chú đi đường có mệt không? Món ăn của Việt Nam có hợp khẩu vị không? Lại một bất ngờ nữa đến với tôi”, cụ Seilkhan nhớ lại.
“Trong lúc còn đang hồi hộp thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bên tôi vỗ vai và bảo, chú bé nhỏ thế này, phải chịu khó ăn uống nhé. Anh phiên dịch dịch xong, cả hội trường cười vang. Tôi luống cuống không nói được câu gì. Bây giờ nghĩ lại thấy mình thất lễ quá… Khi tặng cho mỗi người chúng tôi 80 đồng tiền Việt Nam, cụ Hồ nở nụ cười và bảo “giữ lấy để làm vốn”. Không ngờ, một người lính như tôi lại được lãnh tụ Hồ Chí Minh đích thân tiếp đón, thăm hỏi ân cần đến thế. Đó là khoảnh khắc tôi không thể nào quên”, cụ Seilkhan xúc động nói.
Thắp sáng tình yêu Việt Nam
Trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin cụ tha lỗi vì lúc Chủ tịch vỗ vai tôi thăm hỏi mà tôi không có lời cảm ơn. Tôi cầu mong Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hộ cho nhân dân hai nước được sống hạnh phúc; cầu mong cho mối quan hệ Việt Nam - Mông Cổ đời đời gắn bó và phát triển phồn vinh.
Cụ Seilkhan
Cụ Seilkhan là lão thành cách mạng của Mông Cổ. Cụ giữ nhiều chức vụ lãnh đạo của địa phương, được tặng nhiều huân, huy chương của nhà nước Mông Cổ. Và cụ có một tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam.
Khi công tác ở Đoàn Thanh niên Cách mạng Mông Cổ, cụ là người tiên phong vận động phong trào phản đối chiến tranh và quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cụ đã bỏ nhiều tháng tiền lương của mình để ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Mỗi lần đến Đại sứ quán, cụ luôn mang theo những kỷ vật về Việt Nam như một lời tuyên thệ về tình nghĩa thủy chung với Việt Nam. Trong số đó có bức thư của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Bức thư có đoạn: “…Tôi xin chân thành cảm ơn Ngài và bạn bè quốc tế gần xa đã hết lòng ủng hộ giúp đỡ chúng tôi trong những năm tháng đấu tranh gian khổ đã qua, góp phần tích cực vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao, mãi mãi ghi nhớ và quý trọng tình cảm sâu sắc cũng như những hoạt động tận tụy của Ngài trong phong trào ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam…”.
Nhìn bước chân liêu xiêu của cụ Seilkhan lúc chia tay, lòng tôi không khỏi xốn xang, không biết sang năm cụ còn đủ sức khỏe để đến Đại sứ quán? Nhưng tôi tin rằng tiếng cười và hình bóng của cụ Seilkhan sẽ mãi đọng lại đây.
Trường Hồ Chí Minh ở Mông Cổ
Ngày 4/10/2019, Trường thực nghiệm số 14 mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ) tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.
Theo Đại sứ Đoàn Thị Hương, ngôi trường là biểu tượng sinh động của mối quan hệ thủy chung Việt Nam - Mông Cổ trong suốt 65 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước. Ngôi trường là điểm đến thân yêu, là sợi dây kết nối nhân dân hai nước…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận