Xã hội

Người lưu giữ "kho báu" dưới đáy sông Lục Nam

03/05/2023, 07:00

Từng là thợ sửa thuyền trên sông Lục Nam, ông Lưu Văn Kiên ở Bắc Giang đã sưu tầm, lưu giữ hàng nghìn cổ vật.

Từ đó, một kho tàng kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người địa phương đã được khắc họa rõ nét.

Cơ duyên với đồ cổ

Đến thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, hỏi “ông Kiên đồ cổ” không ai là không biết. Chúng tôi dễ dàng tìm đến ngôi nhà nằm ven sông, tuy đơn sơ nhưng ấm cúng của gia chủ.

img

Ông Lưu Văn Kiên giới thiệu kho tàng đồ cổ được thu thập từ đáy sông Lục Nam

Mời khách chén trà còn nóng hổi, ông Kiên (SN 1966) chia sẻ, cách đây hơn 20 năm, lúc đó sông Lục Nam còn nhiều cát, sỏi, chưa được chính quyền quản lý chặt chẽ như hiện nay nên mỗi ngày đều có hàng chục tàu cuốc hoạt động, khai thác trên sông.

Là thợ sửa chữa thuyền nên ông Kiên gần như quen biết với tất cả các thuyền viên hoạt động trên đoạn sông này.

Mỗi khi sửa chữa tàu thuyền trên sông, ông thường thấy có nhiều vật dụng làm bằng đá, bằng đồng, gốm sứ vứt lăn lóc trên thuyền nên hỏi thăm mới biết đều là đồ vật anh, em thủy thủ nhặt được trong quá trình vận hành tàu cuốc khai thác cát.

Tất cả đang được thu gom lại để bán cho một số người từ Bắc Ninh lên đặt hàng.

Ban đầu ông cũng không mấy để ý đến công việc mua bán, làm ăn của những người này. Tuy nhiên, một số lần ông thấy những vị khách từ Bắc Ninh lên thì thầm, to nhỏ với nhau là vừa trúng mánh, mua được cổ vật với giá hời.

“Về xem ti vi lại thấy có cảnh các nhà khoa học phải lập dự án nọ, dự án kia, tiêu tốn hàng tỷ đồng để khai quật cổ vật, trong khi ngay dưới đáy sông qua cửa nhà mình gần như ngày nào cũng có người đào được. Biết những đồ vật này có giá trị nên tôi đã đứng ra thu mua và bắt đầu bén duyên với đồ cổ”, ông Lưu Văn Kiên nói.

Ông Kiên cũng chia sẻ, ban đầu, ông chưa hiểu biết nhiều về giá trị của cổ vật nên mỗi khi có người thu nhặt được trong quá trình khai thác cát sỏi, ông cũng chỉ mất vài chục nghìn đồng để mua lại.

Nhiều lúc mưa bão, tàu hỏng, không có việc làm, thu nhập, các thủy thủ lại đem đồ cổ tìm đến nhà ông đổi lấy vài kg gạo và thực phẩm trong lúc chờ sửa tàu.

Lâu dần, biết ông Kiên là người say mê đồ cổ, mỗi khi nhặt được trong quá trình khai thác cát, những người này lại gọi đến thu mua.

Nhiều thời điểm chỉ cần nghe thấy có người nhặt được cổ vật trên sông là không kể ngày hay đêm, ông đều tìm đến tận nơi để gom lại. Đặc biệt, có vật dụng ông phải vay nóng hàng chục triệu đồng để mua.

Lưu giữ hàng nghìn cổ vật

img

Nhiều đồ cổ được ông Lưu Văn Kiên thu mua nhưng không còn nguyên vẹn

Những cổ vật này đều bị lớp cát, sỏi dày cả chục mét chôn vùi hàng trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm dưới đáy sông Lục Nam.

Trong quá trình khai thác cát sỏi trên sông, các tàu cuốc đã đào, xúc lên tàu. Ngoài những cổ vật may mắn còn nguyên vẹn, nhiều hiện vật đã bị sứt mẻ trong quá trình tàu cuốc vận hành, đào múc trên sông.

Hiện nay, tại nhà ông Kiên vẫn còn hàng nghìn cổ vật được lưu giữ. Bên cạnh những thanh kiếm, ngọn giáo, rìu bằng đá; bát đĩa bằng đồng được trưng bày trang trọng trong tủ kính, hàng nghìn đồ vật bằng gốm sứ còn lại được dồn đống, vứt chỏng chơ trong xó nhà vì đã hết chỗ để.

“Trước đây, tôi vẫn dành một gian nhà nhỏ để đồ cổ, mỗi khi có khách đến chơi sẽ cùng uống trà, đàm đạo. Tuy nhiên, sau khi cô con dâu đi học nghề làm đẹp trở về, gian nhà này cũng đã phải thu dọn lại để lấy chỗ cho cháu kinh doanh. Tuy không còn chỗ để chứa đồ cổ, lại bị nhiều người đến hỏi mua lại với giá cao, nhiều đồ vật đã được trả giá cả trăm triệu đồng nhưng tôi vẫn không bán.

Với tôi, những cổ vật này là kho tàng lịch sử vô giá nên muốn xây dựng thêm một gian nhà khang trang để trưng bày, giúp con cháu đời sau có điểm đến tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc”, ông Lưu Văn Kiên tâm sự.

Nhân chứng lịch sử

img

Nhiều đồ cổ được ông Lưu Văn Kiên thu mua nhưng không còn nguyên vẹn

Giới thiệu về kho tàng đồ cổ của mình, ông Lưu Văn Kiên cho biết: “Hơn 20 năm thu thập, sưu tầm đồ cổ, tôi rút ra được nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa của vùng đất quê hương. Nhiều người đến thăm, vẫn nói với tôi rằng, có thể những cổ vật này bị trôi dạt, bị đắm cùng những con tàu buôn, tàu chiến đi qua”.

Theo ông, điều này chỉ đúng một phần. Bởi một số điểm ghi nhận tàu Pháp bị đắm trên sông Lục Nam, có nhiều vật dụng thời hiện đại được tìm thấy. Riêng những cổ vật có tuổi đời cả nghìn năm không phải khúc sông nào cũng có. Trong khi đây là sông cụt, không phải tuyến vận tải liên tỉnh.

Cổ vật chủ yếu được tìm thấy tại các đoạn sông ở gần các điểm di tích lịch sử tâm linh như: Đền cây Thị, thôn Cầu Từ, xã Phượng Sơn; khu vực đền Trể, đền Tam Giang (ngã ba sông tiếp giáp giữa sông Lục Nam và tuyến nhánh sông Bò, Lục Nam. Cùng đó là khu vực chùa Bòng, xã Phượng Sơn; chùa và nghè Tiên Nha, xã Tiên Nha, huyện Lục Nam.

“Ngoài những cổ vật từ thời đồ đá, có niên đại vài nghìn năm, còn có những cổ vật đồ gốm có niên đại từ thời nhà Lý, Trần, Lê. Ngoài ra có cả đồ gốm tinh xảo được chế tác, có nguồn gốc từ thời nhà Hán, Đường (Trung Quốc). Điều này khẳng định, bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người địa phương.

Trong quá trình sinh sống, đi lại, mua bán, vận chuyển trên sông, người dân đã bất cẩn làm rơi, được lớp lớp đất đá, cát sỏi lưu giữ lại dưới đáy sông. Do vậy, dù được nhiều người biết đến, hỏi mua với giá cao nhưng tôi nhất định không bán mà giữ lại cho đời sau, phục vụ nhu cầu nghiên cứu lịch sử, văn hóa tại địa phương”, ông Kiên quả quyết.

Xem những hình ảnh cổ vật PV chụp được tại nhà ông Lưu Văn Kiên, ông Nguyễn Quyết Chiến, Trưởng phòng Trưng bày và kiểm kê, bảo quản - Bảo tàng tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Tôi đã nhiều lần đến thăm, tiếp xúc với những cổ vật ông Kiên sưu tầm được. Ông Kiên cũng nhiều lần hiến tặng, đưa cổ vật đến tham gia trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang.

Những cổ vật sưu tầm này có niên đại từ thời đồ đá, đồ đồng đến văn hóa Đông Sơn và thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên có giá trị lịch sử, văn hóa lớn.

Nhiều cổ vật được chế tác tinh xảo, dành riêng cho vua chúa, quý tộc thời kỳ đó sử dụng. Trong đó, giai đoạn lịch sử thời kỳ nhà Lý, Trần là rõ nét nhất vì thời kỳ này có nhiều công chúa của các triều đại phong kiến được gả về địa phương.

Khu vực Lục Ngạn, Lục Nam cũng có nhiều phò mã lập được các chiến công hiển hách, được sử sách ghi nhận”.

Ông Kiên cho biết, trong số các cổ vật mà mình đang lưu giữ, nhiều rìu đá, kiếm đá, dao đá và một số dụng cụ bằng đá được nhiều người yêu đồ cổ đến hỏi mua với giá vài trăm triệu đồng.

Thậm chí, có cây kiếm đá gần như còn nguyên vẹn đã được trả giá bằng cả 1 chiếc ô tô tiền tỷ nhưng ông Kiên nhất quyết không bán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.