Tần Thị Shu |
Nghỉ học lớp 3… thành giám đốc
Tần Thị Shu SN 1986 trong một gia đình đông con ở xã Lao Chải (huyện Sa Pa, Lào Cai). Nhà nghèo, Shu phải bỏ học từ lớp 3 cùng mẹ lên chợ huyện kiếm sống. Hình ảnh những đứa trẻ lăn lộn, bấu víu vào khách du lịch trước nhà thờ đá Sa Pa trong gió lạnh để bán ít khăn dệt thổ cẩm, vòng tay bạc của nhà làm ra luôn ám ảnh cô bé người Mông đầy ý chí này.
Shu nhớ lại, những ngày sương muối trắng xóa, gà chưa gáy, mẹ con Shu đã phải cõng giỏ hàng, đi bộ chân trần 20 cây số đường đồi núi để đến chợ Sa Pa. Nếu may mắn bán được hàng, hai mẹ con sẽ có 15-20 nghìn đồng. Còn nếu không, mẹ con Shu phải ăn xin ngoài đường, trú tạm dưới gầm nhà sàn.
"Shu không cam chịu với suy nghĩ mình sinh ra ở ruộng nương thì phải bám lấy ruộng nương. Mình phải chứng tỏ được một người dân tộc thiểu số cũng có tri thức, có bản lĩnh và có khả năng làm giàu chân chính. Qua đó, mình cũng muốn tạo cơ hội cho những em dám ước mơ, dám thoát nghèo”,Shu nói. |
Một thời gian dài bán hàng cho người nước ngoài, Shu học lỏm được một vốn từ tiếng Anh kha khá. Quyết tâm trau dồi ngoại ngữ, Shu dành phần lớn số tiền kiếm được hàng ngày để vào quán internet học ngoại ngữ.
Sau đó, Shu xin vào Công ty lữ hành ở Sa Pa làm hướng dẫn viên du lịch. Do không có bằng cấp, nên Shu nhận mức lương rất bèo bọt, chỉ 10.000 đồng/chuyến đi. “Nhưng đây là công việc có thể trau dồi ngoại ngữ, kiến thức, nên em cố gắng nhận nhiều đoàn du lịch hơn để kiếm thêm tiền”, Shu nói.
Năm 2008, Shu xin đi học lại nối tiếp chương trình tiểu học và xin vào Hợp tác xã (HTX) Sa Pa O’Chau làm hướng dẫn viên du lịch có hợp đồng. Bằng chính nghị lực, sự thông minh và am hiểu đặc thù du lịch ở Sa Pa, Shu đã trình bày các ý tưởng, dự án kinh doanh du lịch của mình với Ban lãnh đạo HTX.
Năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo HTX, Shu đã thành lập Công ty Sa Pa O’Chau (O’Chau – theo tiếng Mông là Cảm ơn) và làm giám đốc điều hành kinh doanh. Công ty của Shu kinh doanh dịch vụ du lịch là chủ yếu với hình thức Home Stay. Ngoài ra, Shu còn tổ chức điều hành các hoạt động kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm.
Điều đặc biệt ở Công ty Sa Pa O’Chau chính là kinh doanh không vì lợi nhuận. Mọi hoạt động đầu tư kinh doanh của Shu đều hướng tới mục đích xây dựng một môi trường lành mạnh để giúp đỡ các em nhỏ đồng bào dân tộc khó khăn có chỗ ăn, ở và học.
Tần Thị Shu trực tiếp dạy các môn văn hóa và tiếng Anh cho các em trong ngôi nhà tình thương Sa Pa O’Chau |
Ngôi nhà tình thương giữa lưng chừng núi
Sa Pa sương mờ trắng núi cuộn theo từng tiếng rít của gió lạnh. Một tốp học sinh nối đuôi nhau men theo vách núi trở về ngôi nhà tình thương “Sa Pa O’Chau” trên con đường Thác Bạc. Cái lạnh của núi rừng khiến da của những đứa trẻ trở lên thâm tái và đôi tay run rẩy. Nhưng trên gương mặt của chúng vẫn luôn nở một nụ cười tươi rói và quyện vào cùng tiếng Mông như những chú chim rừng ríu rít trở về tổ ấm. Nơi ấy có “người mẹ” Shu và hơn 50 học trò nghèo cùng các tình nguyện viên nước ngoài sinh sống và làm việc.
Quây quần trong căn phòng nhỏ, em Giàng A Vương kể: “Nhà nghèo nên em phải lên thị trấn Sa Pa bán hàng rong, may mắn gặp được chị Shu. Chị hỏi có muốn đi học không, em vui lắm, gọi điện về nhà báo cho bố mẹ và xin về ở trong ngôi nhà tình thương của chị. Ở đây, chúng em không phải lo ăn, lo ở, mà còn được cấp tiền học, được chị Shu và các anh chị nước ngoài dạy tiếng Anh”.
Em Sùng A Tủa (đang theo học lớp 12) chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em từng nghỉ học giữa chừng, may mắn được chị Shu đưa về và hỗ trợ tiền ăn học cho đến nay. Chị đã tạo cơ hội để ước mơ làm thầy giáo của em có thể thành hiện thực. Năm nay em đăng ký thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và cố gắng thi đỗ để không phụ lòng của chị”.
Hữu Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận