Kỳ 1: Máu đổ nhưng đường không thể tắc!
Tôi gặp ông lần đầu vào một ngày giữa tháng 5/2000, cái ngày mà con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại được khởi công xây dựng thành đường nhựa. Giờ đây, đi trên con đường thênh thang ấy, ít người biết đã có hàng ngàn con người đổ xương máu để tạo ra con đường huyền thoại trong suốt cuộc chiến tranh đau thương của dân tộc. Qua lời kể của ông - người Anh hùng Lao động trong ngành GTVT, bức tranh bi tráng của một thời hoa lửa ùa về…
Anh hùng Lao động Nguyễn Phong Lưu vui thú điền viên |
Khởi công dưới bom đạn
Hù... h...ù... ầm... ầ...m… Tiếng rốc-két xé gió. Từng loạt, từng loạt... Cánh rừng bên động Phong Nha của đất Quảng Bình nóng lên hầm hập bởi được nung bằng không biết bao nhiêu tấn bom đạn của quân đội Mỹ.
Trong lán trại chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng Cơ giới 19 tháng 8 đưa mắt nhìn quầng lửa rốc-két chớp sáng lòa trong cánh rừng trước mặt, quay lại nhìn các đồng đội, trông ai cũng có vẻ căng thẳng. Giọng Bắc nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết, anh nói: “Bằng mọi giá, trong đêm nay chúng ta phải hạ lưỡi gạt đầu tiên, để mở lộ 20 này, các đồng chí ạ. Đây là con đường huyết mạch nối với Tây Trường Sơn để quân ta chi viện cho miền Nam. Đội cơ giới chúng ta phải tiên phong. Trong cánh rừng kia, các đại đội thanh niên xung phong (TNXP) đang chờ chúng ta ra quân. Theo nguyện vọng của các đồng chí, tôi cử đồng chí Phong Lưu và Quang Văn - hai người con của miền Nam - làm nhiệm vụ lịch sử này”.
“Ngay đêm nay ư?”, một đồng chí lái xe ngồi cuối lán trại hỏi vọng lên.
“Vâng. Ngay đêm nay”, Hoàng Hiếu cao giọng trả lời và nói, chúng ta phải hoàn thành con đường này đúng vào dịp Kỷ niệm 76 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Đồng chí Lưu có ý kiến gì không?
“Xin tuân lệnh”, anh lái xe ủi Nguyễn Phong Lưu dõng dạc trả lời, rồi đứng lên cùng Quang Văn đi về phía chiếc C100 của mình.
Đó là một đêm mùa khô năm 1965, thời điểm lịch sử khi các “chiến sĩ” đặt lưỡi gạt đầu tiên để mở đầu cho con đường Đường 20 Quyết Thắng. Đó là buổi lễ khởi công đặc biệt không cờ hoa, không băng rôn khẩu hiệu, chỉ có trái tim nóng bỏng và tấm lòng yêu nước của các “chiến sĩ ngành Giao thông”. Suốt đêm hôm ấy, các anh mở đường dưới bom đạn nổ ầm ầm trên đầu. Các anh đối mặt với “Vùng đất lửa Quảng Bình”, nơi được coi là “vành đai trắng” vì mỗi mét đường trên lộ 20 đều là cao điểm.
Lực lượng chủ lực là sáu đại đội TNXP, gồm: C203, C201, C208 (của Hà Tĩnh) cùng C456, C458, C459, C452 (của Nam Hà), về sau tăng cường thêm C4 (của Ninh Bình). Trong các đơn vị TNXP lúc ấy, lực lượng hầu hết là thiếu nữ trong độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, chị em sống rất vui vẻ, hồn nhiên, nụ cười tiếng hát của họ là niềm vui duy nhất trong những tháng ngày gian khổ ấy.
Cuộc chiến ngày càng ác liệt, bom đạn rải thảm xuống những cánh rừng. Không thể làm ban ngày được nên các đơn vị buộc phải làm vào đêm. Chiếc C100 do tổ lái Lưu, Lang, Bì phụ trách luôn xung phong đi đầu. Tại trọng điểm Cua Chữ A đã chịu hàng trăm tấn bom. Hàng đêm, khu rừng sáng rực với hàng trăm quả pháo sáng. Họ đã siết chặt tay nhau hô vang khẩu hiệu “Lấy tim đường làm chiến trường - quyết chiến điểm làm trận địa - máu chúng ta có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. C5 đã bám trụ Cua Chữ A, tranh giành từng phút thời gian quý báu giữa hai trận bom để làm nhiệm vụ thông đường. Cứ vậy, con đường nhích dần từng mét một về phương Nam.
Đến Km45, giặc bắt đầu đánh phá ác liệt hơn, nhưng với quyết tâm phải thông đường chào mừng ngày sinh nhật Bác, nên ban chỉ huy yêu cầu tiến sâu hơn, nhanh hơn. Tổ máy của Lưu lại xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn này.
Tối hôm đó, chiếc C100 ầm ì tiến sâu vào rừng, ba anh em máy trưởng, máy phó và phụ máy phân công mỗi người một nhiệm vụ. Quá nửa đêm xe đến điểm tập kết, Lưu phân công: “Em chịu trách nhiệm về kỹ thuật, anh Bì lo kế hoạch mở đường, anh Lang phụ trách hậu cần nhé”.
Anh Hoàng Trọng Bì vốn là cựu binh thời chống Pháp nên rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, món chè rừng mà đội trưởng Hoàng Hiếu rất nghiện là do Bì tìm ra. Trong ba anh em, Lưu nhỏ tuổi nhất nhưng lại giỏi về kỹ thuật nên được phân công làm máy trưởng. Lang và Bì rất quý cậu em giỏi giang và dũng cảm của mình. Còn anh Lang, quê ở Thái Bình, tính tình vui vẻ, sôi nổi hồn nhiên, một câu nói của anh là tạo ra chuỗi cười giòn cho cả đội. Anh khéo tay, lại giỏi cải thiện đời sống cho anh em. Lúc rảnh lại vào rừng kiếm rau, câu cá cải thiện bữa ăn.
Chứng nhận Anh hùng Lao động cho ông Nguyễn Phong Lưu |
Vững niềm tin chiến thắng
Qua bao đêm dài thức trắng, chống chọi với cơn sốt rét rừng đốt cháy cả tim gan, nằm giữa trận địa B52 tàn khốc, ba anh em vẫn bình tĩnh khéo léo điều khiển chiếc C100 lấn từng mét đường. Mặt đường vừa ủi xong lại bị bom cày loang lổ, lại phải san lấp cho bằng phẳng lại. Có chỗ phải làm đi làm lại đến năm, bảy lần. Hàng đêm, ba anh em chỉ uống nước cầm hơi. Buổi sáng, tranh thủ ăn một miếng lương khô, rồi cầm lọ thuốc đi tìm chỗ vắng để trị ghẻ và hắc lào.
Thời gian qua thật nhanh, không kể ngày đêm, máu xương đã đổ, con đường rồi cũng hoàn thành như dự kiến. Ngồi trong hang đá, Lưu khẽ rùng mình khi nhớ lại chuyện cả đại đội TNXP lọt vào trận địa B52 của địch. Và chỉ trong một đêm - trong một đêm thôi - mà hàng trăm con người tan vào cát bụi. Không biết trăm năm sau và nghìn năm sau nữa có ai còn nhớ các anh em ấy không? - Lưu nghĩ vẩn vơ. Những người còn lại phải nén đau thương bám trận địa để thông đường cho xe qua. “Từ hôm mình vào đây đã gần hai năm rồi, anh Bì nhỉ?”, Lưu hỏi.
Tôi, người viết bài này quen biết gia đình ông đã lâu, khi cô con gái út của ông còn mang khăn quàng đỏ và lúc ấy tôi là phụ trách đội của em, bây giờ em đã là cô giáo - cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga. Tôi không ngờ cha em - ông già nhỏ thó lọt thỏm giữa ồn ào phố thị, hàng ngày cọc cạch đạp xe đi làm rẫy kia - đã từng là một Anh hùng. Mãi hôm lễ khởi công xây dựng đường Trường Sơn, cô gái mới đưa tôi xem mẩu tin đăng tin trên tờ Quân đội Nhân dân số ra ngày 22/5/1972: “Công nhân Quân giới Nguyễn Phong Lưu 8 năm lái máy, năm lần bị thương vẫn bám ở đường. Mấy ngày đêm liên tục phục vụ ở trọng điểm ác liệt”. Em cũng cho tôi coi tờ báo khác đăng toàn văn lệnh của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký ngày 7/6/1972: “Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nguyễn Phong Lưu, 37 tuổi, Công nhân lái máy gạt đường Quyết Thắng, đội Thanh niên Xung phong, Ban Xây dựng 67”. |
“Ừ, chắc giờ này ngoài nông trường đang vật heo đón Tết. Tội cho con vợ mày, vớ anh lái xe ủi, lại dân tập kết, tưởng “chồng cày vợ cấy” ai dè nó lại xung phong vào mở đường Trường Sơn. Thế có khổ thân không chứ”.
Lưu quê gốc Hà Nam, theo cha vào Long Khánh làm cao su rồi tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc, nên anh em vẫn coi anh như một người con của miền Nam ruột thịt.
Dạo ấy, anh em miền Nam ra tập kết được coi là con cưng, được đi học và làm việc ở Thủ đô, thậm chí được đưa đi học ở nước ngoài. Lưu lại xung phong vào tuyến lửa nên anh em rất quý. Những tưởng đi hai năm sẽ về gặp cha, ai dè…
Ba anh em trầm ngâm, hồi tưởng về quê hương. Máy bay rút lui, bầu trời trong xanh trở lại, giây phút bình yên giữa hai trận bom, không gian yên tĩnh lạ thường. Bỗng dưng, Lưu bật cười. Bì hỏi: “Cậu cười gì thế?”
“À! Em nhớ hồi mới tập kết, mấy anh căng khẩu hiệu “Hoan hô cán bộ, bộ đội đồng bào miền Nam tập kết muôn năm!”. Ai dè thành tiên tri, mười năm rồi các anh nhỉ”.
Bì khẽ nói, Bác Hồ bảo: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” thế nào cũng có ngày chúng ta sẽ giải phóng miền Nam”.
Chắc chắn như thế. Ánh mắt Lưu rực lên niềm tin, anh nhìn về cánh rừng trước mặt. Câu chuyện thời thơ ấu gian khổ, dưới cánh rừng cao su hiện về rõ mồn một, như cuốn phim quay chậm.
Bút ký của Nguyễn Một
(Còn nữa)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận