Đường 20 Quyết Thắng ngày nay |
Con đường của tuổi 20
Nằm trong hang đá, Lưu không nhớ rõ mình đã nằm trong hang đá bao đêm. Cứ mỗi lần nằm trong hang đá, những hồi ức lại hiện về. Anh nhớ những ngày tháng cũ, nhớ người vợ hiền tần tảo đang gò lưng trên đồng cà phê và cao su ở nông trường Phủ Quỳ. Nhớ cha chiến đấu ở miền Nam. Nhớ những đồng đội đã hy sinh trên tuyến đường đã đi qua. Nhưng tất cả những gì anh làm cho tuyến đường 20 Quyết Thắng này anh lại không nhớ rõ.
Sáng nay, trong bản tin của ban 67, được gửi từ hậu phương vào, có bài viết về anh. Những dòng chữ nhòe nước giúp cho anh biết anh cùng chiếc xe C100 đã mở hàng trăm km đường, hàng ngàn khối đất đá, kéo hơn 400 xe bị lầy. Anh cũng không nhớ nổi chiếc C100 đã cùng anh làm việc hơn năm ngàn giờ.
Trước lằn ranh của sự sống và cái chết, thời gian trở nên mơ hồ. Những điều anh làm có đáng gì so với sự hy sinh to lớn của đồng đội. Anh quên những điều ấy, nhưng anh nhớ tiếng cười giòn tan của Thược, của Liệu, của những cô gái đã vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi hai mươi. Có người khi chết vẫn còn cầm trên tay một nhánh hoa rừng.
Những chiến công trên con đường này thuộc về họ, những cô gái mười bảy, mười tám đã từ ghế nhà trường, từ đồng ruộng bước thẳng vào chiến trường với trái tim đầy nhiệt huyết. Họ làm đường và giữ đường suốt cuộc chiến tranh.
Khi biết tôi muốn viết về ông, vẫn nụ cười hiền lành, ông nói: “Cậu viết làm gì. Chuyện xưa rồi”. Hình như tất cả những anh hùng trên đất nước này đều như thế, họ không muốn nói về mình. Đúng là chuyện đã xưa, nhưng những giá trị lịch sử và nhân văn mà họ để lại cho đời luôn là những bài học mới. Chắc chắn một con người như tôi, thế hệ trưởng thành khi những biến cố chiến tranh đã trở thành huyền thoại, khó có thể diễn tả hết được những gian lao mất mát và cả cái được mà thế hệ cha ông đã trải qua. |
Đường 20 Quyết Thắng được mở ra trong lúc cuộc chiến thống nhất đất nước ngày càng cam go, ác liệt. Con đường đi qua những dãy núi hiểm trở, những cánh rừng trùng điệp, đương đầu với bom đạn ác liệt của kẻ thù.
Tuổi hai mươi hừng hực tinh thần yêu nước đã giúp họ vượt qua gian khổ, bệnh tật, đói rét, bom đạn… để chinh phục những dãy núi đá tai mèo, cắt rách thịt da...
Lưu còn nhớ, sau này, có một nhà báo yêu cầu anh viết những suy nghĩ của mình về thành tích cá nhân, anh đã gửi lên những dòng tâm sự như tiếng nói chung của đồng đội: “Tám năm trước đây, tôi được vinh dự cùng đồng đội lái máy đặt lưỡi gạt đầu tiên mở ra nhánh đường trong hệ thống đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ vĩ đại...
Ngày nối đêm, chúng tôi đang sống và lao động trên những con đường. Chính những con đường trước mắt đang nhắc nhở chúng tôi đẩy mạnh tốc độ thi công để tiếp tục phục vụ công việc của đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trên những tuyến đường vẻ vang này. Chúng tôi nguyện đi tới bất cứ nơi đâu cách mạng cần để làm những con đường mới...”.
Những lời chân tình của anh được chọn đăng báo, đồng đội vui mừng vì anh đã nói được tâm nguyện thay cho họ. Để thực hiện ước nguyện ấy, sau khi Đường 20 Quyết Thắng hoàn thành, anh đã xung phong ở lại phục vụ chiến trường...
Trăn trở vì “Con hổ xám Trường Sơn”
Mưa càng lúc càng nặng, sấm chớp đùng đùng, cây ngã rào rào... ầm... ầm...
Hang đá rung lên bần bật, một tiếng va đập chói tai. Lưu nhoài người ra khỏi hang: “Chết rồi Bì ơi. Đá trên núi đổ xuống hư chiếc xe của mình rồi”.
Trời tạnh mưa, trông chiếc xe mới thảm hại làm sao, tảng đá đập gãy nát nhiều chỗ. Hay tin, các đồng chí trong ban chỉ huy ra lệnh bỏ xe, chỉ tháo lấy máy. Suốt đêm nằm trong lán trại, Lưu trăn trở không ngủ được khi nghĩ đến cảnh xẻ thịt “Con hổ xám Trường Sơn” - người bạn đường - đã vào sinh ra tử với mình bao ngày đêm. Anh tính toán từng bộ phận rồi đi đến quyết định táo bạo, phải cứu cho bằng được chiếc máy này. Mờ sáng, Lưu đến trại của anh Hoàng Hiếu, người chỉ huy đã dậy sớm hơn cả Lưu.
“Cậu tính xin mình sửa lại chiếc C100 phải không? Mình biết tính cậu mà. Mình cũng không ngủ được vì nó đấy. Bỏ nó cũng tiếc thật, hơn bảy chục ngàn chứ ít đâu, đất nước còn muôn vàn khó khăn. Thôi tùy cậu, mình tin cậu”, anh Hiếu nói.
Nghe anh Hiếu nói, Lưu như mở cờ trong bụng. Lưu vội vã băng rừng đi tìm Huân. Lưu nghĩ phải tìm cho bằng được anh thợ hàn này mới cứu được máy. Vượt 8 km đường rừng, họ về trong đêm và hăm hở bắt tay vào việc. Một chiếc lán nhỏ che bằng phên nứa được dựng lên giữa trọng điểm. Để tránh địch phát hiện những đốm sáng từ các que hàn, Lưu mượn mấy tấm chăn về quây thành buồng tối. Thấy lạ, nhiều chị em TNXP đến chơi, họ gọi buồng tối của anh là Quán Phong Lưu.
Suốt bốn ngày đêm không nghỉ ngơi, Lưu và Huân đã làm cho “Con hổ xám” gầm lên trước sự khâm phục của anh em toàn đội. Chuyện Lưu cứu máy lan đi rất nhanh, Hoàng Hiếu hết lời khen ngợi.
Không chết vì bom đạn, lẽ nào chịu thua con vi trùng bé nhỏ
Từ buổi đầu mở đường đến nay đã hơn bốn năm, nay đây mai đó, với chiếc ba lô con cóc trên vai, với hai bộ quần áo bê bết dầu mỡ cùng chiếc C100 chầm chậm bò lê từ đầu tuyến tới cuối tuyến.
Bom đạn quân thù không quật ngã được anh vậy mà hôm nay anh phải nằm co quắp trong hang bởi những cơn ho xé ngực. Sau mỗi cơn ho là đến sự hành hạ của sốt rét. Lưu đau đớn nhận ra sức khỏe của mình ngày càng cạn kiệt. Cái chết không làm anh sợ, nhưng một người lính Trường Sơn mà lại gục ngã bởi một căn bệnh thì chẳng hay ho tí nào.
Năm 1968, lợi dụng mùa mưa, giặc đánh phá các cung đường Trường Sơn ác liệt chưa từng thấy. Máy bay giặc quần đảo liên tục trên bầu trời, dùng đủ loại bom phá đường cỡ lớn đánh tọa độ liên tục. Máy bay hết tốp này đến tốp khác trút bom đạn xuống từ đỉnh núi tới khe suối. Mặc cho bom rơi, núi lở, đồng đội của anh đang nhích dần từng xen ti mét để thông đường. Còn Lưu phải nằm trong hang đá. Suốt bốn năm qua anh chưa bao giờ thấy mình bất lực như thế này.
Nhưng nhớ tới sự hy sinh anh dũng của các đồng đội, Lưu chợt nhận ra rằng mình không thể chết. Anh cần phải sống để tiếp tục cuộc chiến đấu. Lưu cảm thấy sức sống mãnh liệt cuồn cuộn trong người. Anh chồm dậy, lảo đảo đi ra cửa hang...
Lưu mở mắt nhìn thấy xung quanh anh những bóng áo màu xanh của chị em TNXP. Cô Sỹ nhìn vào mặt anh và reo lên: “Anh Lưu tỉnh rồi. Anh mò đi đâu vậy? May mà em bắt gặp được anh ngoài rừng trước lúc bọn Mỹ thả bom”.
Lưu mỉm cười và nắm tay Sỹ: “Cảm ơn em đã cứu anh, hãy chữa bệnh cho anh, anh sẽ khỏi ngay mà. Hãy chích thẳng vào phổi anh, anh không chết vì bom đạn, lẽ nào anh lại chịu thua con vi trùng bé nhỏ này. Hãy chích đi” - Anh nhìn thẳng vào mắt cô y tá nói như ra lệnh.
Như bị Lưu thôi miên, Sỹ chích thật, sau khi cô ấy rút mũi kim ra, anh bỗng thấy trời đất quay cuồng… Sau này anh kể cho nhiều người nghe, không ai tin vì sao anh có thể sống được bởi kiểu chữa bệnh vô tiền khoáng hậu ấy.
Sau cơn bệnh thừa sống thiếu chết ấy, Lưu xung phong lên mở đường qua đèo Yên Ngựa, đây là đoạn đường khó, đỉnh núi cao hơn ngàn mét so với mặt nước biển. Bên vách núi cheo leo là vực thẳm sâu hàng trăm mét.
Chỉ huy có vẻ ngần ngại lo cho sức khỏe của Lưu, nhưng do anh quyết tâm quá nên cuối cùng chỉ huy đã để anh lái máy vào cao điểm. Trong đội cơ giới đến thời điểm năm bảy mươi chỉ còn tổ lái của anh là dày dạn kinh nghiệm nhất. Lưu vào cao điểm mới trong những ngày đại quân ta tiến vào giải phóng miền Nam...
Bút ký của Nguyễn Một
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận