Bất động sản

Người mua nhà cần làm gì khi chủ đầu tư "chây ì" cấp sổ hồng?

16/12/2020, 17:27

Nhiều chủ đầu tư "chây ì" cấp sổ hồng cho cư dân, người mua nhà cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?

img

Chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam, Hoàng Mai căng băng rôn đòi sổ hồng.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) là pháp lý bắt buộc trong giao dịch BĐS hiện hành. Và đương nhiên những người mua nhà ở hình thành trong tương lai được cấp sau khi nhận bàn giao công trình. Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều người dân sống trong các dự án trung tâm Hà Nội vẫn phải khổ sở, kéo nhau đi đòi sổ hồng khiến pháp lý này trở nên xa xỉ.

Trước đó, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA ) vừa công bố 28.324 căn nhà và căn hộ officetel thuộc 53 dự án của 14 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn chậm cấp sổ hồng cho người dân.

Dẫn đầu danh sách là Tập đoàn Hưng Thịnh với 13 dự án (gồm 7.944 căn nhà và 847 căn hộ officetel); Kế đến là Tập đoàn Novaland với 11 dự án (gồm 6.118 căn nhà và 1.165 căn hộ officetel) chưa được cấp sổ hồng. Một số DN khác như Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Sài Gòn Res); Cty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam… cũng chung tình trạng chậm cấp sổ hồng mỗi đơn vị lên đến hàng nghìn căn hộ.

Riêng với Công ty Địa ốc Hoàng Quân, DN này đang có 3 dự án bị chậm cấp sổ hồng và vẫn đang tổng hợp số lượng căn nhà, căn hộ officetel.

Những dự án phải kể tên như: Chung cư HH1A, HH1C, HH2A Linh Đàm; Chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam thuộc quận Hoàng Mai; Dự án Athena Complex Xuân Phương, Nam Từ Liêm...

Trao đổi với PV Báo Giao thông về thực tế này, Luật sư Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản quy định, trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện thực hiện.

Nhưng gần đây, tình trạng người dân sống trong các toà nhà chung cư treo băng rôn đòi sổ hồng diễn ra ngày càng nhiều. Một số nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm cấp sổ hồng chủ yếu là: Chủ đầu tư xin cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư thế chấp tài sản tại ngân hàng trước khi xin cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ và chưa giải chấp, xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép...

Theo luật sư Sơn, khi người mua nhà bị chậm cấp sổ hồng, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình thì việc đầu tiên cần phải làm đó là làm đơn kiến nghị với thanh tra xây dựng hoặc UBND cấp có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư. Tùy vào thời gian và số lượng căn hộ bị chậm cấp, chủ đầu tư có thể bị phạt tới 01 tỷ đồng. Ngoài việc bị phạt tiền thì chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm khi chậm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc người mua có thiệt hại do hành vi chậm thực hiện thì yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo điều khoản đã thỏa thuận hoặc khởi kiện.

Cũng theo luật sư Sơn, bên cạnh những nguyên nhân chậm cấp sổ hồng xuất phát từ chủ đầu tư thì cũng có những nguyên nhân xuất phát từ cơ quan nhà nước cấp sổ.

"Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi rõ hạn trả kết quả. Nếu quá thời hạn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa giải quyết thì người dân được quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính", luật sư Sơn cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.