Hình ảnh tượng trưng của Chương trình hỗ trợ bầu cử liên bang |
Trước thềm ngày bầu cử Mỹ cận kề, cùng hàng trăm triệu người Mỹ tại quê hương, hàng triệu người Mỹ hoặc quân nhân đang làm việc sinh sống ở nước ngoài rục rịch đi bỏ phiếu sớm hoặc chuẩn bị các thủ tục bầu cử cho ngày trọng đại vào 8/11.
Theo Hiệp hội người Mỹ sinh sống tại nước ngoài, có khoảng 8 triệu người Mỹ đang sinh sống ở các nước trên thế giới, chưa kể quân nhân. Anh Peter Petracca, 27 tuổi là một nhà khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam chia sẻ, trong những ngày cận kề bầu cử, từ đất nước Đông Nam Á xa xôi, anh cũng cảm nhận thấy không khí bầu cử Mỹ được quan tâm sôi nổi. Theo Peter, không chỉ bản thân người Mỹ, người dân địa phương cũng rất chú ý tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bất cứ khi nào anh cho biết mình là người Mỹ, sẽ có người địa phương quan tâm: Anh định bầu cho ai?
Theo quy định, để bỏ phiếu, các cử tri ở nước ngoài phải đăng ký với cơ quan bầu cử địa phương tại bang mà họ trực thuộc bằng cách gửi đơn đăng ký liên bang (FPCA) qua email. Song điều khiến nhiều người Mỹ ở nước ngoài thấy phức tạp nhất đó là họ không chỉ phải đăng ký một lần mà phải gửi đơn vào tháng Một hàng năm, mỗi lần cử tri di chuyển, thay đổi địa chỉ, thay đổi email hoặc thay đổi tên họ để xác nhận việc đi bỏ phiếu.
Cử tri nước ngoài có 4 sự lựa chọn để bỏ phiếu bầu cho ứng viên Hillary Clinton hay ứng viên Donald Trump. Trong đó, cử tri Mỹ có thể gửi trực tiếp phiếu bầu qua dịch vụ thư tín về địa phương mà họ đăng ký thường trú tại Mỹ. Hoặc họ cũng có thể bỏ phiếu trực tiếp tại các Đại sứ quán, lãnh sự quán gần nhất tại đất nước họ tạm trú. Truyền hình CNBC đã khảo sát khoảng 1 triệu người Mỹ xa xứ, phần lớn họ đều cho biết sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ trực tiếp tại đất nước họ đang sống.
Ngoài ra, một số bang cho phép người dân bỏ phiếu điện tử qua fax, email và mạng internet…. Hơn 30 bang tại Mỹ như Colorado, Florida, Iowa, Nevada và North Carolina mở hình thức bỏ phiếu trực tuyến cho công dân sống ở nước ngoài. Chính quyền bang khẳng định việc kiểm phiếu đã được đảm bảo để diễn ra suôn sẻ và không xảy ra các vấn đề nghiêm trọng. Song, trong bổi cảnh tin tặc có thể len lỏi, xâm nhập bất cứ đâu, rất nhiều quan chức Mỹ đều lo ngại việc bỏ phiếu trực tuyến có thể không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ phiếu bầu từ nước ngoài dính phần mềm độc hại hoặc truyền virus về các cơ quan bầu cử địa phương và liên bang gây rối loạn ngày bầu cử quốc gia.
Khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện được công bố ngày 5/11 cho thấy, ứng viên Hillary Clinton đang dẫn trước ứng viên Donald Trump với cách biệt 5%. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 30/10 – 3/11 cho thấy, có 44% cử tri ủng hộ bà Clinton trong khi ông Trump chỉ nhận được 39% người ủng hộ
Xem thêm video Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ ứng viên Hillary Clinton
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận