Chuyện dọc đường

Nguôi nỗi “khát quê”, rồi sao nữa?

27/10/2021, 06:19

Anh H. gọi điện cho tôi, hỏi xem còn các chốt trạm giữa tỉnh này với tỉnh kia hay không, vì anh muốn trở lên thành phố tìm việc.

Mới ba tuần trước, tôi gặp anh ở khu tập trung người dân về từ vùng dịch. Số là, đầu tháng này, công nhân từ Sài Gòn và các tỉnh miền Đông đổ về nhiều quá, địa phương tôi sinh sống phải huy động toàn bộ nguồn lực để đón bà con.

img

Người dân từ TP.HCM về quê Sóc Trăng sáng 3/10. Ảnh: N.L.Đ

Tôi tham gia trong đội tình nguyện trực tại một trường học, nơi có hàng ngàn người dân trở về mỗi ngày. Nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn bà con khai báo y tế, phân loại họ theo địa bàn cư trú, sau đó liên hệ với các huyện thị đến dẫn họ về khu cách ly tập trung.

Gia đình anh H. cũng nằm trong dòng người “trôi” về miền Tây đợt vừa rồi. Anh chở theo vợ và hai đứa con nhỏ trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ, buộc theo mấy bọc quần áo, nồi niêu xoong chảo, cây quạt gió nhỏ xíu và bình nước để uống dọc đường.

Giống như bao cảnh ngộ khác, anh chị rời quê lên thành phố làm mướn, nhưng bị mất việc từ tháng 6. Mấy triệu bạc dành dụm phòng thân dùng để đóng tiền trọ, tiền điện nước, ăn uống tiết kiệm lắm nhưng được hơn hai tháng là hết sạch.

Gia đình bốn người họ phải sống dựa vào mấy đợt cứu trợ của các nhóm hảo tâm. Khu nhà trọ anh chị ở có nhiều bà con quê miền Tây, ban đầu cũng giúp đỡ nhau lon gạo bó rau cầm cự qua ngày, nhưng dần dần ai cũng kiệt quệ.

Nỗi lo lây nhiễm dịch đan xen với nỗi lo đói khát, lo thất nghiệp lâu dài mà không đi đâu, không làm gì được khiến nhiều người bất an.

Bởi vậy, chỉ cần nghe thông tin đầu tháng 10 các địa phương sẽ “mở cửa” là gia đình anh chị khăn gói chạy về quê liền. “Về quê trước đi rồi có chuyện gì thì tính sau”, anh H. chia sẻ với tôi như vậy.

Có lẽ, không riêng gì anh chị mà nhiều người dân miền Tây khác cũng nghĩ thế. Và như tất cả mọi người đã thấy, từng dòng người không ngớt rời thành phố về quê.

Có điều, như nhiều chuyên gia dự đoán, khi làn sóng người hồi hương vừa tạm lắng xuống thì khắp nơi, người dân lại... rục rịch trở lên thành phố tìm việc.

Anh H. hỏi thăm các chốt trạm từ chỗ anh lên thành phố đã tháo dỡ hết chưa, để đầu tháng tới anh chị sẽ quay lên làm việc, công ty trên đó liên hệ với anh chị rồi. Tôi thắc mắc tại sao mới ba tuần trước, anh chị phải bất chấp nguy hiểm, vượt qua biết bao khó khăn mới về quê được, chưa gì đã muốn quay lên?

Anh H. ngập ngừng bảo, hiện giờ ở quê không phải ngày mùa, sông rạch cũng cạn kiệt cá tôm rồi, ở quê lấy gì mà sống.

Anh chị cũng muốn kiếm công việc gì đó dưới này để làm, nhưng việc công nhật thì không có ai mướn. Nhiều công ty, xí nghiệp ở miền Tây hiện vẫn chưa hoạt động trở lại, ngay cả công nhân chính thức của họ còn đang thất nghiệp thì trông mong gì họ tuyển thêm người mới.

Vậy là, không chỉ gia đình anh H. mà chắc chắn có rất nhiều gia đình khác cũng sẽ quay lại thành phố trong nay mai. Đợt di dân thấm đẫm mồ hôi và nước mắt vừa rồi chỉ làm nguôi cơn “khát quê” của họ trong một thời gian ngắn ngủi, rồi họ lại lên đường.

Cái vòng lẩn quẩn này sẽ còn lặp lại với không chỉ với vợ chồng anh H., mà chắc chắn cũng là cảnh ngộ của rất nhiều người khác.

Trong lúc ngặt nghèo nhất, họ nghĩ đến quê và họ đã về. Nhưng giờ đây, khi nỗi “khát quê” đã vơi, họ sẽ phải bươn chải thế nào trong những ngày tháng tới để kiếm được cái ăn, cái mặc? Câu hỏi đó thực sự họ không thể trả lời...

Nếu như ở quê cũng có nhiều nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp, có lẽ họ cũng không cần quay trở lại thành phố tìm cơ hội làm gì. Khao khát được về quê, về rồi lại thấp thỏm quay trở lại thành phố... đó như một vòng luẩn quẩn mà vợ chồng anh H. chưa biết khi nào mới thoát ra được.

Trương Chí Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.