Thế giới giao thông

Người nước ngoài nói gì về sự kiện “Đã uống rượu bia - Không lái xe”?

12/05/2019, 11:50

Những du khách nước ngoài có mặt ở Hồ Hoàn Kiếm vô cùng bất ngờ trước sự kiện tuần hành kêu gọi "Đã uống rượu bia không lái xe" sáng 12/5.

img
Một số du khách, người nước ngoài đi du lịch, làm việc, sinh sống ở Việt Nam cũng tham gia cuộc đi bộ tuần hành đặc biệt sáng 12/5

Sáng 12/5, tại khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm) đã diễn ra sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe" do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức.

Sự kiện có sự đồng hành của Báo Giao thông, Nhà hát Kịch VN, Cộng đồng cựu học sinh Hà Nội niên khóa 91-94 và đại diện các cơ quan đơn vị của Hà Nội đã thu hút lượng người tham gia đông kỷ lục với hơn một chục nghìn thành viên.

Hòa cùng dòng người đông đúc đang háo hức tham gia sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu bia trong lĩnh vực an toàn giao thông là những du khách nước ngoài đang có mặt ở Hà Nội, thủ đô xinh đẹp của Việt Nam.

Phóng viên Báo Giao thông đã có những cuộc trò chuyện ngắn với những du khách ngoại quốc bên lề sự kiện kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe".

Khi được giới thiệu về ý nghĩa của sự kiện, các du khách quốc tế đều hưởng ứng đồng thời nhấn mạnh các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gia tăng các hình phạt và chế tài đối với những người uống rượu bia khi điều khiển xe máy và ô tô tham gia giao thông. Đây là việc cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng và chính bản thân các tài xế.

img
Ông Robert và bà Fiona, hai du khách đến từ Australia. Ảnh: Bình Nguyên.

Du khách Robert nói rằng ông không bao giờ sử dụng rượu bia, đặc biệt là khi phải lái xe đi làm hoặc tham gia bất cứ hoạt động giao thông nào trên đường.

Robert tâm sự, kể từ khi ông lập gia đình, có con cái thì việc uống rượu bia, dù ít thôi cũng đã chấm dứt bởi trách nhiệm của người cha vô cùng lớn, bạn phải luôn tỉnh táo và đảm bảo sự an toàn về tính mạng cho tất cả các thành viên trong gia đình mỗi khi tham gia giao thông.

“Ở Australia, hình phạt dành cho các tài xế sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông rất nghiêm khắc. Bên cạnh việc bị truy tố hình sự, hầu tòa nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì tài xế say xỉn phải nộp phạt tiền, tôi không thể nói chi tiết vì chưa bao giờ tôi phạm lỗi này nhưng chắc chắn là tiền phạt rất cao.

Tài xế ở Australia cũng có người sử dụng rượu bia và bị phát giác nhưng những trường hợp như vậy khá ít. Hình phạt nặng và bản thân việc sử dụng rượu bia quá đà gây tổn hại cho sức khỏe cũng khiến người dân ở đất nước chúng tôi hạn chế uống các đồ uống chứa cồn”, bà Fiona vợ ông Robert nói thêm.

img
Amin, Saskia Kim và Samuel đến từ Đức. Ảnh: Bình Nguyên

Gặp gỡ 4 bạn trẻ gồm Amin, Kim, Saskia và Samuel đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, tất cả đều rất hứng thú trước sự kiện tuần hành thu hút rất đông người tham gia này.

Amin, chàng trai trong nhóm bạn trẻ cho biết: Tại Đức, bạn có thể uống rượu hay bia khi tham gia giao thông nhưng ở giới hạn cho phép.

Cụ thể, với người lái xe tư nhân có kinh nghiệm thì không được uống quá 0,5 mg/lít khí thở. Đối với tài xế mới tốt nghiệp khóa đào tạo lái xe và các tài xé lái xe buýt, nồng độ cồn cho phép là 0 mg/lít khí thở - tức là bạn tuyệt đối không được sử dụng đồ uống có cồn khi nằm trong các trường hợp này.

Amin thừa nhận có đôi lần sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe nhưng không bao giờ giám vượt quá giới hạn cho phép là 0,5 mg/lít khí thở vì theo thanh niên này, hình phạt dành cho tài xế sử dụng đồ uống có nồng độ cồn vượt quy định vô cùng nặng nếu bị phát hiện.

“Bạn có thể bị tước bằng lái xe 1 - 6 tháng. Ngoài ra, bạn phạt nộp phạt một khoản tiền lớn tương đương 2 - 5 nghìn USD.

Trong trường hợp lái xe say rượu gây hậu quả nghiêm trọng, chắc chắn bạn sẽ bị tòa án truy tố và điểm đến của bạn sẽ là nhà tù” - Samuel, 1 trong 4 thành viên của nhóm nói.

Khi được hỏi “Các bạn có muốn nhắn nhủ gì với một số người trẻ ở Việt Nam từng uống rượu bia và điều khiển xe mô tô, thậm chí là ô tô khi tham gia giao thông”, nhóm thanh niên người Đức nói:

“Đừng uống rượu bia quá đà, đặc biệt là khi tham gia điều khiển xe trên đường. Điều đó rất nguy hiểm. Mong các bạn nhận thức được hậu quả cho chính mình và cả cộng đồng xung quanh”.

img
Timothy và Rick vừa vui vẻ chụp hình vừa nói rằng "chúng tôi chỉ uống nước lọc và sữa trái cây thôi". Ảnh: Bình Nguyên

Tới từ đất nước xinh đẹp Hà Lan ở châu Âu là hai du khách có tên Timothy và Rick cho hay: Ở Hà Lan, nồng độ cồn cho phép mà các tài xế có thể sử dụng khi lái xe (tư nhân và xe bus chở khách) là 0,5 mg/1 lít khí thở. Trong khi đó, lái mới chỉ được sử dụng 0,2 mg nồng độ cồn/ 1 lít khí thở.

Timothy nói rằng dù nồng độ cồn cho phép đối với tài xế khi điều khiển xe máy và xe hơi ở Hà Lan là khá cao những rất ít khi có tài xế vi phạm bởi người Hà Lan nhận thức rất rõ tác hại của rượu, bia, ma túy đối với sức khỏe. Những người làm nghề lái xe hoặc điều khiển phương tiện giao thông khi cơ động trên đường mặc nhiên rất ý thức được điều đó.

Về hình phạt đối với các tài xế bị phát hiện sử dụng rượu, bia vượt mức cho phép, anh Rick cho biết: Tại Hà Lan, hình phạt khá nặng, bạn sẽ mất bằng lái vĩnh viễn, buộc phải học và thi lại nếu muốn có bằng điều khiển xe hơi. Ngoài ra, mức phạt tiền cũng rất cao, thuộc dạng nhất nhì trong khối các nước thành viên châu Âu.

“Uống rượu khi lái xe rất nguy hiểm. Hậu quả cũng rất khôn lường, bạn không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra khi cầm vô lăng trong tình trạng say xỉn. Hãy tránh xa rượu - bia khi tham gia điều khiển xe hơi để không vướng những những rắc rồi về pháp luật và chứng kiến những thảm kịch tai nạn đau lòng”, Timothy và Rick nhắn nhủ.

Để ý thấy một người đàn ông nước ngoài đứng tuổi đang chăm chú theo dõi các chương trình trong khuôn khổ buổi kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe" trên sân khấu chính tại khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ, PV Báo Giao Thông lại gần và được biết ông là Erick, một công dân của Thủ đô Paris, Pháp.

img
Du khách người Pháp có tên Eric vừa đặt chân tới Hà Nội. Ảnh: Bình Nguyên

Ông Eric cho biết mình vừa đến thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Khi đang đi bộ, ông rất ngạc nhiên và đang tìm hiểu vì sao có đông người thế.

Khi được PV cung cấp thông tin, Eric rất hưởng ứng chương trình vì theo ông, đây là sự kiện có ý nghĩa vì nó cũng giống như những lời cảnh báo mà các chương trình tương tự đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới đã đưa ra.

Theo ông Eric, nước Pháp không phải đối mặt nhiều với các thảm kịch về an toàn giao thông do các tài xế uống rượu bia, sử dụng ma túy gây ra nhưng cũng đối mặt với những kẻ cực đoan có tư tưởng bạo lực, sử dụng xe hơi làm phương tiện tấn công cộng đồng.

Ông Eric cho biết, tại đất nước ông đang sinh sống, nồng độ cồn mà các các tài xế không được phép vượt qua cũng tương tự như các quy định và giới hạn ở Đức.

Các chế tài và hình phạt cho nhưng vi phạm kiểu như quá nồng độ cồn cho phép khi điều khiển phương tiện có gắn động cơ khi tham gia giao thông là vô cùng nghiêm khắc và đủ sức để răn đe những người có thói quen tai hại và nguy hiểm này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.