Ong vò vẽ là loài có nọc độc, nếu bị ong chích có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, ở xứ rừng U Minh Hạ có 1 người phụ nữ quyết định chọn nghề săn ong vò vẽ để mưu sinh.
Người phụ nữ tên Quách Kim Y (28 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là 1 trong 10 thành viên của gia đình có 3 thế hệ không có ai làm nghề săn ong.
Chị Kim Y với chiến lợi phẩm là một tổ ong mật
Không sợ nguy hiểm
"Nhà nghèo, tôi phải nghỉ học từ năm lớp 9 để đi bán hàng thuê, giúp việc nhà. Năm 22 tuổi, tôi lấy chồng về quê sống. Chồng tôi làm ngư phủ, lâu lâu về thăm nhà 1 lần.
Để có tiền trang trải cho cuộc sống, tôi đi đặt bẫy chuột, giăng lưới... Trong quá trình đi đặt bẫy chuột, thấy có nhiều tổ ong mật, ong ruồi nên chuyển qua săn ong", chị Kim Y kể.
Khi đi săn ong mật, chị phát hiện nhiều tổ ong vò vẽ, có những tổ to đùng. Đêm về, Kim Y suy nghĩ, giá bán nhộng ong vò vẽ khá cao, từ 350.000 - 750.000 đồng/kg, sao mình không chuyển qua săn ong vò vẽ?
Sau khi lên mạng tìm hiểu cách bắt ong vò vẽ, Kim Y mua bộ đồ bảo hộ giá 400.000 đồng. Chỉ cần săn được vài tổ ong chị đã lấy được vốn, nên quyết định vào nghề mới là săn ong vò vẽ.
Đến nay, chị Kim Y đã theo nghề săn ong vò vẽ hơn 2 năm. Hằng ngày, cứ khoảng 4h sáng, Kim Y thức dậy đi vào rừng tìm ong. Khi được hỏi thân gái vào rừng lặn lội mưu sinh, chị Kim Y cười tươi nói: "Mình không sợ nguy hiểm, miễn sao tìm được tổ ong".
Chị Kim Y theo nghề săn ong vò vẽ hơn 2 năm nay
Chị Kim Y tự tin rằng: "Bây giờ, tôi đã có kinh nghiệm nhìn hướng gió để đoán nơi nào có thể có tổ ong vò vẽ. Giống như ong mật, ong ruồi, muốn tìm tổ ong vò vẽ, khi đi vào rừng, mình chú ý quan sát nếu thấy vài con ong bay lòng vòng kiếm mồi thì theo hướng về của nó là tìm được tổ.
Vào tháng mùa khô, phải đến khu vực có nước “rình” ong lấy nước, để đoán hướng tổ ong đang đóng", Kim Y chia sẻ.
Ngất xỉu vì bị ong vò vẽ chích
Kim Y kể: "Có lần, do bất cẩn, tôi không phát hiện tổ ong vò vẽ nên đạp phải. Ong túa ra, chích đến ngất xỉu. May nhờ có người phát hiện, gọi điện cho gia đình hay đưa lên trạm xá cấp cứu.
Lần đó, tôi nghỉ dưỡng cả tháng và có ý suy nghĩ bỏ nghề săn ong vò vẽ vì nguy hiểm quá, mà mình còn có con nhỏ. Nhưng sau đó, vì gánh nặng chuyện cơm áo gạo tiền nên mình lại tiếp tục vào rừng săn ong".
Việc săn ong vốn không dành cho phái nữ, nhưng với chị Kim Y đó là một nghề mưu sinh
Nghề săn ong vò vẽ có thể làm quanh năm, có khi 1 tháng thợ săn chỉ được trên 10 tổ. Chị Kim Y chia sẻ: "Ai chỉ ở đâu tôi cũng đi, dù gần hay xa. Nghề đi lấy ong này thu nhập cũng bấp bênh lắm.
1 năm chỉ có tháng Giêng là nhộng ong có giá cao (khoảng 750.000 đồng/kg, những tháng còn lại khoảng trên dưới 350.000 đồng/kg). Có khi mỗi chuyến được vài tổ, nhưng cũng có khi ngậm ngùi về tay không".
Ngoài ra, chị Kim Y cũng nhận giúp những người bị ong vò vẽ làm tổ trong nhà kho, trong vườn. "Mình có dụng cụ bắt ong, nên bỏ công ra giúp bà con, để không gây nguy hiểm cho người khác", chị Kim Y nói.
Theo lời chị Kim Y, công việc chị làm, tuy vất vả nhưng được cái thoải mái, không phụ thuộc ai, không đòi hỏi trình độ học vấn, lại được ở gần gia đình. Chị cũng đang tập thành làm Youtube hy vọng có thêm thu nhập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận