Ông Lê Văn Tăng, Nguyên Cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) |
Nguyên Cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Lê Văn Tăng cho rằng, với tư duy, cách thức lập dự án, xây dựng hợp đồng, giám sát và vận hành dự án hời hợt thì chưa đấu thầu chúng ta đã biết loại công nghệ nào, nhà thầu nào sẽ trúng rồi. Và chất lượng, hiệu quả kém là điều tất yếu.
Lập dự án tồi có mà “đấu giời”
Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí thầu giá rẻ trước đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các dự án lớn kém chất lượng, hiệu quả do buộc phải sử dụng công nghệ, nhà thầu Trung Quốc?
Tôi cho rằng, hàng loạt dự án lớn kém hiệu quả, thậm chí “chết lâm sàng” như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng, nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất là do khâu lập dự án.
Tôi lấy ví dụ, một dự án nhà máy sản xuất, nếu được đầu tư thiết bị của châu Âu, Mỹ, Nhật... giá trị phải là 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ được duyệt 700 tỷ đồng thì chưa cần đấu thầu cũng đã biết công nghệ nào, ai trúng rồi.
Đó là chưa kể, công nghệ sau khi được phê duyệt, trong quá trình vận hành vẫn phải vận động, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của thị trường. Nếu năng suất lao động không cao, chi phí lớn, thì kể cả được đầu tư thiết bị “xịn” cũng dẫn đến đóng cửa.
Cho nên, vấn đề quan trọng nhất là ở người ra quyết định đầu tư. Kiểu như dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng, với suất đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, trong điều kiện giá thép hiện hành, càng hoạt động càng lỗ. Nói thẳng, dự án đã không hiệu quả thì “đấu giời”!
Nói như vậy, khâu đấu thầu là “vô can” thưa ông?
Nếu dự án đã rơi vào 2 trường hợp kể trên thì khâu đấu thầu “bó tay” thật. Trường hợp ngoại lệ, Luật Đấu thầu mới đã cho phép đấu thầu 2 túi hồ sơ, chỉ anh nào thỏa mãn về chất lượng kỹ thuật thì mới xem xét tới yếu tố tài chính. Như vậy, những trường hợp nhà thầu kém chất lượng vẫn trúng thì có 2 khả năng: Một là, chủ đầu tư không khách quan để nghiêm túc loại bỏ; Hai là, nhà thầu quá tinh quái để chủ đầu tư không thể loại, nghĩa là chủ đầu tư thiếu năng lực.
Thực tế cho thấy, dù trúng thầu nhờ giá rẻ, song nhiều dự án lớn lại bị đội vốn “khủng” lên sau đó. Như vậy, mục tiêu tiết kiệm chi phí qua đấu thầu đâu có đạt được?
Để nhà thầu tuân thủ cam kết, chúng ta cần phải thực hiện tốt từ khâu soạn hợp đồng. Nguyên tắc để có được một hợp đồng chuẩn là phải do bên mời thầu soạn. Nhưng thực tế tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư đẩy phần đó cho nhà thầu với tâm lý “mình soạn thì hóa ra mình hầu nó à”. Nguyên tắc thứ hai, khi soạn hợp đồng, phải toàn “nghĩ xấu” về nhà thầu, trên cơ sở đó đưa ra tất cả các tình huống như chậm, không đảm bảo chất lượng... để ràng buộc trách nhiệm, xử phạt.
Bước phải làm tốt tiếp theo là giám sát chặt chẽ, công tâm, chứ không thể ngồi cầu trời khấn phật cho nhà thầu nghiêm chỉnh chấp hành.
Dự án hoàn thành rồi cũng chưa đủ, mà còn phải quản lý tốt khâu vận hành. Để hiệu quả, phải tính đủ các yếu tố, như mua nguyên vật liệu đã cạnh tranh chưa, hay lại cộng thêm “hoa hồng”; Bộ máy đã gọn nhẹ chưa, hay tranh thủ tuyển con tuyển cháu; Năng suất lao động đã tốt chưa?...
Giám sát không chặt, nhà thầu nào “cũng chết”
Luật Đấu thầu mới với 2 túi hồ sơ có hạn chế được thực trạng công nghệ, nhà thầu kém chất lượng không, thưa ông?
Những dự án “tai tiếng” như đề cập chủ yếu rơi vào giai đoạn trước khi có quy định mới. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, đấu thầu không phải là kết thúc một công trình, dự án mà mới chỉ là khâu đầu tiên và chúng ta còn rất nhiều việc phải làm sau đó.
Sai lầm của các ban quản lý dự án là đấu thầu xong cất luôn hồ sơ vào trong tủ. Thời tôi làm ban quản lý dự án, tôi luôn để hồ sơ trên bàn làm việc, nhà thầu thi công tới hạng mục nào là giở ra đối chiếu với hồ sơ chào thầu tới đó, thậm chí đoạn nào họ càng nói hay mình càng phải tô vàng vào để kiểm tra, giám sát.
Tôi nhớ, có dự án, nhà thầu nói trắc đạt bằng máy kinh vĩ Đức, tuy nhiên thực tế thì thợ chỉ dùng phương pháp thủ công là buộc cục gạch vào dây để đo. Hay khi chào thầu thì “chém” công nhân được đào tạo bài bản ghê lắm, song nhiều phen ra đường gọi “cửu vạn”.
Trong khi đó, nhiều tư vấn giám sát còn không biết hồ sơ thầu có nội dung gì. Mà với cách làm này, tôi xin khẳng định, dù là nhà thầu nào dự án cũng “chết”.
Những dự án lớn phải trải qua nhiều công đoạn như vậy, khi xảy ra vấn đề, làm thế nào để truy trách nhiệm. Như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng đã đắp chiếu 5 năm nay khiến tổn thất thêm nặng nề. Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
Tôi cho rằng, người ra quyết định đầu tư cần có trách nhiệm giải trình đầu tiên. Nếu quyết định đầu tư là đúng rồi, “ông” đó sẽ phải chỉ ra khâu nào, khảo sát, lập hồ sơ hay thẩm định không chuẩn? Trên cơ sở loại trừ như vậy, chúng ta sẽ truy được trách nhiệm.
Với những dự án kiểu như nhà máy gang thép Thái Nguyên, theo ông, hướng xử lý như thế nào?
Theo tôi, chúng ta nên bán cho doanh nghiệp tư nhân, bán rẻ, bán lỗ cũng phải chấp nhận, bởi nếu có đầu tư thêm tiền, với cách làm như vừa qua, tôi tin cũng không hiệu quả. Còn quan điểm tiếp tục rót vốn vì nhà máy không hiệu quả về mặt kinh tế nhưng hiệu quả về xã hội, tạo công ăn việc làm, tôi cho rằng, đó là ngụy biện. Đã là dự án kinh tế, phải đặt mục tiêu số 1 và chỉ một là hiệu quả kinh tế. Cần chấm dứt ngay tư duy xét hiệu quả xã hội cho các dự án kinh tế. Từ bài học đắt giá này, tôi cho rằng chúng ta cần quyết tâm thay đổi nhận thức, cách thức làm dự án, trong đó mạnh dạn chuyển đổi, giao vốn cho tư nhân.
Cảm ơn ông!
"Năng lực quản lý của chủ đầu tư kém chính là nguyên nhân khiến nhà thầu Trung Quốc ngày càng dễ tiếp cận dự án EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công). Theo đó, nhiều chủ đầu tư chọn phương pháp đấu thầu EPC mà ngại trong việc tách các phần công việc để có các gói thầu phù hợp với điều kiện nhà thầu trong nước làm được. Công tác kiểm tra giám sát đánh giá năng lực nhà thầu của chủ đầu tư còn yếu. Việc thương thảo và ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm nhà thầu. Đồng thời, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư không quản lý tốt các dự án đầu tư." Ông Nguyễn Văn Thụ "Chúng ta cần phải chấm dứt ngay các tiền lệ rằng, Nhà nước sẽ đổ thêm tiền cho các dự án dở dang kiểu như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng. Thay vào đó sẽ phải truy trách nhiệm đến cùng đối với những người đã ra quyết định đầu tư vào một dự án kém hiệu quả như vậy. Việc khước từ đổ thêm tiền vào các dự án kiểu này cũng làm đảo ngược tiền lệ xấu từ trước tới nay, đó là càng kém hiệu quả Nhà nước lại càng phải đổ thêm tiền." Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận