Trưa 26/3, tang lễ của nhạc sĩ Hồng Đăng diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Nhiều người thân, đồng nghiệp, nghệ sĩ đã tới viếng và tiễn đưa người nhạc sĩ, như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Thụy Kha, NSND Trung Đức, đạo diễn Hữu Mười...
Di ảnh nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Tạ Hải
Viết những bản tình ca nổi tiếng
Trong mắt NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Hồng Đăng là người có ảnh hưởng tới nền âm nhạc của Việt Nam rất lớn. Ông tham gia biên soạn sách về âm nhạc để dùng trong ngành giáo dục âm nhạc. Điều này tạo cái gốc cho những người làm nghiên cứu để đúc kết các giá trị nghệ thuật, tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, các sáng tác của ông cũng đa dạng, từ nhạc không lời, nhạc phim và ca khúc với chủ đề xoay quanh tình yêu quê hương, đất nước, thân phận con người. Với gia tài sáng tác khoảng 700 bài, ông cũng có nhiều tác phẩm nổi bật tiêu biểu.
Trong đó, “Hoa sữa” là tác phẩm cho thấy giá trị của một ca khúc. Bài hát vốn là nhạc phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, nhưng sau đó đã thoát ra khỏi mác của bộ phim và trở thành một tác phẩm độc lập quần chúng được công chúng đón nhận. “Biển hát chiều nay” cũng là tác phẩm tương tự, được yêu thích dù vốn là ca khúc được đặt hàng viết cho phim.
Người thân của nhạc sĩ Hồng Đăng tại tang lễ
Chưa hết, từ những năm làm nhà giáo, nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết bài hát “Quà tháng năm dâng người”. Đến bây giờ, bài hát vẫn phổ biến trong những dịp biểu diễn của ngành giáo dục nói chung và nhiều sự kiện của nhà nước.
“Ông chủ yếu viết tình ca và viết rất tinh tế, không mang tính hành khúc hô hào nhưng vẫn cho mọi người thấy sức lan tỏa của âm nhạc. Các tác phẩm của ông có giá trị là mảnh đất cho nhiều thế hệ ca sĩ của Việt Nam thể hiện tài năng của mình”, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định.
Bạn bè, đồng nghiệp chia buồn với bà Lê Anh Thúy - Phu nhân nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Tạ Hải
Người nghệ sĩ trong tim mọi người
Đối với họa sĩ Văn Thao – con trai nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Hồng Đăng là bậc đàn anh mà ông kính trọng. Sự kính trọng dành cho một người tử tế, lịch lãm và luôn sống điềm đạm, chân thật, hiền hòa đối với mọi người. Những năm tháng ông làm Tổng thư ký ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhiều anh em nhạc sĩ được ông giới thiệu, giúp đỡ chân tình. Những đức tính đó được các thế hệ đàn em nể trọng, học hỏi.
Ấn tượng của hoạ sĩ Văn Thao về đàn anh không chỉ là qua những sáng tác, những lần trò chuyện gặp gỡ, mà còn là mối quan hệ của nhạc sĩ Hồng Đăng với nhạc sĩ Văn Cao.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
Từ khi còn trẻ, Văn Thao đã có dịp ngồi chung bàn ăn uống với cha và đàn anh của mình, lắng nghe những cuộc đàm đạo về nghệ thuật. Từ đó, người họa sĩ cũng chứng kiến tình cảm thân thiết của cả hai dành cho nhau như những người anh em ruột thịt, chân thành, cởi mở.
“Anh Đăng được cha tôi rất quý mến. Dù rất giỏi nhưng anh ấy không bao giờ kiêu căng, cũng ít khi nói về bản thân mình. Khi đánh giá ai, anh ấy luôn khiêm tốn, đánh giá chính xác và không bao giờ nói xấu ai”, họa sĩ Văn Thao tâm sự.
Có 20 năm làm chung nhau trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, rồi về hưu cũng tiếp tục trở thành bạn nhậu của nhau, nhà văn Ngô Thảo đánh giá người bạn thân của mình là người tài hoa, nổi tiếng và quảng giao rộng rãi. Không phải ngẫu nhiên, ông lại làm Tổng Thư ký của Hội nhạc sĩ Việt Nam mấy khóa liền.
Là người hoạt động văn nghệ quần chúng, vào Nam ra Bắc nhiều nên bạn bè của nhạc sĩ Hồng Đăng rất đông, từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao, nhà văn Nguyễn Quang Sáng… Trong những dịp đó, người ăn nói có duyên bao giờ cũng là vị nhạc sĩ của “Hoa sữa”.
“Tính cách hóm hỉnh, vui tươi, dễ chịu nên ông Đăng rất được lòng mọi người. Một người hào hoa dù gia đình không giàu có, dư giả gì. Ông ấy luôn áy náy khi không tặng ai cái gì, luôn thích mọi người vui nên bạn bè thân hữu hay ai đến, ông Đăng cũng phải tặng gì đó như bút máy, sổ tay, bật lửa…”, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.
Cũng vì tính cách nhiệt tình ấy, ông hay được bạn bè nhờ cậy hỏi han, xin ý kiến mỗi khi gia đình có việc. Trong mắt tác giả của “Như cuộc đời”, nhạc sĩ Hồng Đăng “như một cuốn từ điển sống để hỏi han điều nọ điều kia, là chỗ dựa đáng tin cậy”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia buồn cùng gia đình
Những dòng sổ tang xúc động nhạc sĩ Thụy Kha kính tiễn người ông gọi là "đại ca"
Bởi, những lời chỉ dẫn của ông đều là đúc rút từ các kinh nghiệm trong cuộc sống. Ông cũng luôn hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể các vấn đề mà người khác hỏi thăm. “Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều tin vào trí tuệ của ông Đăng”, nhà văn khẳng định.
Suốt cuộc đời long đong, lênh đênh của mình, người ta chưa bao giờ nghe Hồng Đăng oán trách hay ca thán về những điều mình phải trải qua hay hằn học, trách móc ai. Trong những năm tháng ốm đau, bệnh tật, bạn bè ông thường xuyên tới thăm. Thế nhưng, người nhạc sĩ vẫn luôn niềm nở, dang tay với mọi người đến với mình, cũng như luôn sẵn sàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng đối với âm nhạc.
Sự ra đi của ông là điều đau buồn với người thân, bạn bè và khán giả, tiếc thương cho một người nhạc sĩ tài hoa. Cách đây ít lâu, nhạc sĩ Văn Dung – người bạn thân đã cùng “lên rừng xuống biển”, đi khắp đất nước với nhạc sĩ Hồng Đăng đã qua đời. “Hai ông cùng tuổi, đi đâu cũng có nhau. Tuần này, ông Văn Dung đã gọi theo ông Hồng Đăng cùng đi rồi”, nhà văn Ngô Thảo ngậm ngùi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận