Thể thao

Người thày của các VĐV khuyết tật

18/11/2016, 19:05
image

HLV Đổng Quốc Cường có tới 44 năm làm thày, trong đó có 27 năm gắn bó với các VĐV bơi khuyết tật.

HLV Đổng Quốc Cường và cậu học trò Võ Thanh Tùng
HLV Đổng Quốc Cường và cậu học trò Võ Thanh Tùng

Ở tuổi 71, HLV Đổng Quốc Cường có tới 44 năm làm thày, trong đó có 27 năm gắn bó với các VĐV bơi khuyết tật. Ông thày già được ví như “ông tiên” khi dẫn dắt học trò giành 200 HCV quốc tế và trực tiếp se duyên cho 20 cặp đôi.

Bỏ bơi đỉnh cao, dẫn dắt trò khuyết tật giành 200 HCV quốc tế

Kết thúc nghiệp đấu của một kình ngư nổi tiếng đất Hà Thành, ông Cường vào TP HCM lập nghiệp rồi nên duyên với một nữ đồng nghiệp xinh đẹp. Từ những năm 1990, HLV nổi tiếng này đã bất ngờ chuyển sang lĩnh vực huấn luyện VĐV bơi khuyết tật tại CLB Tân Bình khi lãnh đạo có chủ trương thí điểm.

Khi đó, nhiều người bảo ông “hâm nặng” vì đang yên ổn với bơi đỉnh cao lại tình nguyện làm thày của những VĐV khuyết tật bởi chế độ cũng như nhận thức lẫn sự quan tâm, chia sẻ đối với những lĩnh vực thể thao này gần như bằng không. “Ngoài đào tạo chuyên môn miễn phí cho những người khuyết tay, liệt chân, lòa mắt đã vô cùng gian khó, đặc thù, tôi còn phải tìm đủ cách để hỗ trợ cho các học trò, từ lo chỗ ở tạm đến một công việc mưu sinh như đan chổi, tẩm quất người mù, bán vé số”, thày Cường cho hay.

Mất hơn 10 năm, công sức của thày Cường mới được đền đáp khi thể thao khuyết tật được đưa vào hệ thống quốc gia, hội nhập với quốc tế. Kể từ năm 2004, đội bơi TP HCM của ông liên tục dẫn đầu giải đấu trong nước và tỏa sáng tại các cuộc thi quốc tế.

Theo thống kê, các kình ngư do ông đào luyện, dẫn dắt đã đoạt được 200 HCV quốc tế các loại. Trong đó, chỉ riêng Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á 2014, quân thày Cường đã đóng góp tới 7/9 HCV của đoàn Việt Nam. Hay mới đây nhất, học trò ruột của ông, kình ngư Võ Thanh Tùng đã đoạt tấm HCĐ lịch sử tại Paralympic 2016.

“Ông tơ” siêu mát tay

Người được giới VĐV khuyết tật coi như một ông tiên ấy còn luôn trăn trở về tương lai của các học trò, bởi câu hỏi đau đáu: Chẳng nhẽ cuộc sống của họ chỉ quanh đi, quẩn lại với những buổi tập, giải đấu, mưu sinh qua ngày?

Ông quyết định sẽ trở thành một “ông tơ” bất đắc dĩ. Tính toán kỹ càng, ông thử ghép trong đầu một số đôi theo rất nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất phải có sự phù hợp một cách tương đối về hình thể để có thể hỗ trợ tốt nhất cho nhau trong sinh hoạt. Ví như, VĐV ngồi xe lăn sẽ ghép với VĐV đi lại bình thường, hay VĐV nữ khuyết tật nặng sẽ ghép với VĐV nam khuyết tật nhẹ. Và dứt khoát trong hai người, có ít nhất một người vẫn có khả năng đi lại. Nhắm được vài đôi rồi, ông mới tích cực triển khai việc se duyên, từ việc bố trí giờ tập có chủ ý, chủ động gán ghép và là cầu nối, cho đến trực tiếp tư vấn tình cảm cho từng người. Nhiều anh chàng còn bị ông “khích” là hèn, kém để có được sự tự tin và tinh thần phấn đấu. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng thành công, nhưng chỉ sau 6 tháng của “chiến dịch”, ông đã se duyên thành công được ba đôi uyên ương.

Cuối năm 2004, “ông tơ” đặc biệt đã có thành quả đầu tiên với lễ cưới của hai học trò Trần Đắc Thắng và Lê Thị Hiền, do ông hỗ trợ phần lớn kinh phí và trực tiếp làm chủ hôn. Cả hội trường hôm đó đều khóc nghẹn, từ cô dâu, chú rể và các VĐV khuyết tật, vì họ hiểu rằng, hạnh phúc riêng tư tưởng như không bao giờ dám nghĩ đến là hoàn toàn có thể.

Đến giờ, số cặp đôi nên vợ nên chồng do thày Cường se duyên đã tròn 20. Ngay như Võ Thanh Tùng khi tìm thấy ý trung nhân, ông còn phải đứng ra “bảo lãnh” với cô bạn gái ấy về độ an toàn của học trò, thế nên chỉ tính riêng bảo lãnh chuyện yêu đương giúp học trò, con số cũng lên đến 40. Điều đặc biệt, các gia đình VĐV bơi khuyết tật đều coi vợ chồng thày Cường như bố mẹ, nhờ ông đặt tên cho các con và giờ ông đã có tới gần 50 cháu nội, cháu ngoại.

Cũng chính bởi vậy, khi nói về người thày của mình, kình ngư Võ Thanh Tùng không khỏi nghẹn ngào: “Thày là người đã tái sinh tôi cùng rất nhiều đồng đội khác. Dưới sự dẫn dắt, chăm lo về mọi mặt của thày, chúng tôi đã có niềm tin, có động lực, có sự bền bỉ để vượt lên chiến thắng tật nguyền, tạo dựng nghiệp đấu và cuộc sống. Một chữ ơn chắc chắn không thể nói hết những gì thày làm cho chúng tôi!”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.