Hiện trường vụ một cháu bé 10 tuổi va vào xe chở tôn và tử vong |
Vừa qua, 2 vụ tai nạn liên quan đến xe chở vật liệu cồng kềnh khiến 2 người tử vong đã khiến dư luận hết sức bức xúc. Nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc liệu những người chủ thuê lái xe xích lô hay ba gác chở những tấm vật liệu xây dựng này có bị xử lý trách nhiệm, khi có hậu quả đáng tiếc như trên xảy ra hay không.
Giải đáp về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những phân tích rất rõ ràng.
1. Về trách nhiệm bồi thường dân sự:
Theo quy định tại điều 604 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện sau:
“ 1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611BLDS.
b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.
1.2. Phải có hành vi trái pháp luật.
Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.
1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Như vậy, đối chiếu với qui định trên thì chủ cửa hàng vật liệu xây dựng khó có trách nhiệm phải liên đới bồi thường dân sự
2. Về trách nhiệm hình sự
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Điều luật này chỉ qui định Người điều khiển phương tiện là người phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu có lỗi và gây hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, theo luật sư Thơm, xét về cả trách nhiệm hình sự và dân sự thì khó có thể xác định được trách nhiệm của người thuê chở hàng trong những trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, nếu xét về tình thì trong sự việc này, chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng nên có sự thăm hỏi, hỗ trợ nhân đạo cùng với gia đình người lái xe xích lô vì gia cảnh của người này cũng rất khó khăn.
>>> Xem thêm video xe máy chở hàng cồng kềnh suýt bị tai nạn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận