Việc mua tin phải đảm bảo giữ bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin.
Các thông tin được mua trực tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP.HCM hoặc trụ sở Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM. Người dân cũng có thể gửi văn bản qua đường bưu điện hoặc hộp thư điện tử. Thông tin có thể là văn bản giấy, file mềm, file ảnh, video, ghi âm.
Trước khi có quy định này, Thành ủy TP.HCM từng có Quy định 1374 về giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Dù không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào, nhưng sau 5 năm thực hiện, thành phố đã tiếp nhận hơn 9.864 thông tin phản ánh. Tỷ lệ xử lý thông tin đạt trên 97% và 30 tổ chức Đảng, 405 đảng viên đã bị kỷ luật. Về mặt chính quyền, có 453 cán bộ bị kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau.
Lý do ban hành quy định mới được lý giải là nhằm "nâng lên một bước" để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa, răn đe, cảnh báo cán bộ, đảng viên.
Có thể nói, đây là một tín hiệu mạnh mẽ của TP.HCM trong việc khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thông qua cơ chế giám sát. Việc thưởng tiền (mức chung là 10 triệu đồng, có thể cao hơn với những thông tin đặc biệt giá trị) cũng thể hiện sự động viên, ghi nhận đối với những người đứng ra tố cáo.
Tuy nhiên, có lẽ bản thân những người tố cáo tham nhũng sẽ không quá quan tâm đến số tiền được trả. Điều mà họ mong muốn nhất là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền cần phải được xử lý kịp thời, thích đáng, không có chuyện dung túng, bao che. Và sau khi tố cáo, họ muốn bản thân phải được bảo vệ an toàn, không bị trả thù, trù dập.
Bởi khi đứng ra tố cáo, họ chắc chắn ý thức được những rủi ro mà mình có thể hứng chịu. Nếu hành vi tham nhũng tiêu cực không được xử lý nghiêm minh, bản thân người tố cáo còn bị trả thù thì chắc chắn sẽ rất hiếm người còn dám góp sức trong cuộc chiến này.
Trên thực tế, các quy định bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng đã khá đầy đủ. Nhưng việc thực thi thế nào trong thực tế lại là câu chuyện khác. Điều đó đòi hỏi thành phố cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin làm sao được giám sát chặt chẽ.
Việc này vừa tránh để lộ nhân thân người tố cáo, vừa tránh cả việc bưng bít thông tin của những người có trách nhiệm tiếp nhận.
Trong tiếp nhận thông tin, việc phân định hành vi tiêu cực và hành vi vì lợi ích chung, không có động cơ vụ lợi cũng cần phải rất rạch ròi. Vì nếu không, có thể sẽ vô tình làm chùn bước những người dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo.
Hoặc do đấu đá nội bộ, rất có thể cũng sẽ có những tố cáo từ đơn vị này, cơ quan nọ mà bản chất sự việc không đúng như tố cáo. Có thể tố cáo không đúng, song ít nhiều cũng khiến người bị tố cáo mất uy tín, hay nản chí trong thực thi công vụ, từ đó họ ngồi im, không dám làm gì.
Chi tiền mua tin tố cáo tham nhũng là tốt, cũng là một kênh quan trọng để xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, việc cần thiết vẫn là phải phát huy tối đa vai trò của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các hành vi tiêu cực ngay từ đầu.
Nên coi đó là thanh bảo kiếm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Còn việc mua tin cũng là một cách làm, song không nên quá trông chờ vào cách thức này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận