Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại BV Bạch mai |
Tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi
Mới đây, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, BV Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.N.P (36 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) được chuyển lên từ tuyến dưới, trong tình trạng hôn mê do chảy máu não (đột quỵ). Theo bệnh án, bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân có cảm giác bồn chồn, đau đầu âm ỉ, tê bì tay phải. 4 ngày sau, cảm giá tê bì tay phải tăng lên, xuất hiện tình trạng nói ngọng...
Được đưa tới BV Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, mạch 69 lần/phút; huyết áp 200/122mmHg… Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy giãn não thất cấp, chảy máu nhu mô cạnh não thất phải và chảy ngập máu hệ thống não thất… Bệnh nhân được mổ dẫn lưu não thất ra ngoài cấp cứu ngay trong đêm để kiểm soát áp lực nội sọ và điều trị hồi sức bằng thở máy, an thần, truyền dịch. Cũng may được áp dụng biện pháp đặc trị, tiêu sợi huyết não thất, bệnh nhân P. mới giữ được tính mạng song vẫn còn phải điều trị kéo dài.
Còn tại khoa Đột quỵ, BV 103, bệnh nhân N.T.T (35 tuổi, Hà Đông) được người nhà phát hiện ngã sõng soài trong nhà vệ sinh, chảy máu miệng nên vội đưa đi cấp cứu. Theo chẩn đoán của bác sĩ, bệnh nhân bị đột quỵ.
Nhờ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có sự hồi phục tốt. Khi nhận được chẩn đoán đột quỵ từ bác sĩ, người nhà bệnh nhân khá ngạc nhiên, bởi bệnh nhân không có tiền sử bệnh tật, sống lành mạnh, không rượu bia thuốc lá, thường xuyên chơi thể thao. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh nhân có kêu hay mất ngủ và đau đầu nên tự điều trị bằng một số loại thuốc thông dụng.
Theo BS. Nguyễn Minh Hiện, Khoa Đột quỵ, BV 103, tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân trẻ tuổi đang ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý, phần lớn trước khi xảy ra đột quỵ, người bệnh thường chủ quan, bỏ qua các biểu hiện, triệu chứng như đau đầu, choáng tạm thời hay mất ngủ…
Cảnh báo dấu hiệu đau đầu nguy hiểm
Theo BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, đau đầu có thể là dấu hiệu đặc trưng của đột quỵ chảy máu não, song nhiều người chủ quan không để ý. Đa phần các cơn đau đầu đều lành tính và có thể điều trị đơn giản bằng các loại thuốc giảm đau thông thường.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, đau đầu lại là dấu hiệu cho thấy những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới sức khoẻ. “Chẳng hạn như trường hợp một bệnh nhân vừa bị đột quỵ chảy máu não mới đây được tiên lượng khó qua khỏi. Trước đó, có thể bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng không đi khám, khi đột quỵ xảy ra, tình trạng bệnh đã quá nặng”, BS.Chính cho biết.
Để giảm thiểu nguy cơ gây ra đột quỵ não, cần phải duy trì lối sống lành mạnh như: bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, thực hiện chế độ ăn giảm tinh bột và các chất béo, tăng cường vận động, định kỳ kiểm tra huyết áp, đường máu, mỡ máu để phát hiện và điều trị sớm các chứng bệnh này”. BS. Nguyễn Minh Hiện, Khoa Đột quỵ, BV 103 |
BS. Chính khuyến cáo: “Cần đi khám ngay lập tức với các dấu hiệu đau đầu nguy hiểm như: đau đầu dữ dội, xuất hiện đột ngột; đau đầu kèm theo sốt, cứng gáy, phát ban, rối loạn tâm thần, mất ý thức, co giật, thay đổi thị giác, ví dụ như nhìn mờ, nhìn thấy quầng xanh đỏ, hoa mắt chóng mặt, yếu hay liệt cơ, mất thăng bằng, mắt đỏ, tê bì hoặc nói khó. Hoặc đau đầu sau tiến triển tăng dần trong một ngày hay đau kéo dài trong một vài ngày".
Cùng quan điểm, BS. Hiện cho rằng, dấu hiệu nhận biết đột quỵ cần được phát hiện kịp thời và có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân. Trong đó, đột nhiên đau đầu là một trong những biểu hiện rất đặc trưng song người bệnh thường hay bỏ qua. Bên cạnh đó, còn do các yếu tố nguy cơ đột quỵ gia tăng mạnh ở người trẻ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường. “Chính lối sống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, cùng với vô số áp lực trong cuộc sống hàng ngày cũng là căn nguyên gây tổn thương, dẫn đến nguy cơ đột quỵ não ở người trẻ ngày càng cao”, BS. Hiện khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận