Lối sống

Người trọc đầu, mặc đồ như nhà sư vào quán nhậu: Từng ăn thịt chó khoe MXH

24/07/2023, 11:25

Danh tính của người đàn ông ăn mặc như tu sĩ vào quán nhậu ở Gò Vấp nhanh chóng được dân mạng tìm ra.

Ngày 23/7, mạng xã hội (MXH) xôn xao clip một người đàn ông trọc đầu, mặc đồ giống nhà sư trong quán nhậu tại Gò Vấp, TP.HCM. Người đàn ông này vui vẻ dự một bữa tiệc, tươi cười vẫy tay chào mọi người. Sau đó, có hình ảnh người này ở cơ quan công an.

Được biết, khi lực lượng chức năng kiểm tra một quán nhậu sân vườn ở phường 17, quận Gò Vấp, công an đã tiến hành kiểm tra, test nhanh đối với nhiều người nghi sử dụng chất kích thích và đưa hàng chục người về trụ sở, trong đó có người đàn ông ăn mặc như nhà sư. Ông này sau đó đã được cho về vì âm tính với chất kích thích.

img

Hình ảnh người đàn ông trọc đầu, mặc đồ như nhà sư tại cơ quan công an gây xôn xao MXH.

Hình ảnh trên lan truyền MXH đã khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao. Nhiều người đã nhận diện được người đàn ông cạo trọc, mặc đồ giống nhà sư tên là Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ tại nhà số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi).

Ông này là một tu sĩ giả danh, chứ không phải là nhà sư thật sự và thường gây náo loạn MXH với nhiều phát ngôn, hành động phản cảm.

Người đàn ông này thường tự xưng là "thầy", tự nhận mình là "Đại đức Thích Tâm Phúc" và xưng là "Trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương", thường mặc áo tu sĩ Phật giáo. Đối tượng có những clip phản cảm khoe mình đang ăn thịt cùng phát ngôn phản cảm: "Thầy chùa ăn thịt chó, cực kỳ ngon... quá xá là ngon" hoặc khoe rằng: "...Vẫn ăn thịt cá bình thường, chỉ rằm mùng 1 các thầy ăn cùng Phật tử là ăn chay".

img

Ông Phúc là một người giả danh tu sĩ, thường có phát ngôn phản cảm trên MXH.

Bên cạnh đó, người này cũng thường đăng các clip nói năng tục tĩu, tuyên bố "nhà sư nhận tất cả các loại thịt động vật", trái với truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khiến Phật tử bức xúc, phẫn nộ.

Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi khẳng định, đối tượng Nguyễn Minh Phúc là tu sĩ giả danh. Căn nhà số 174/13A ấp Láng Cát là nhà người này để ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là Chùa Hoằng Pháp Trung ương.

img

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng về việc ông Phúc giả mạo tu sĩ và giả mạo cơ sở thờ tự.

Địa chỉ này trước đây có đăng ký thành lập 6 doanh nghiệp do ông Nguyễn Minh Phúc làm người đại diện pháp luật nhưng không hoạt động. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có quyết định thu hồi tất cả giấy phép thành lập doanh nghiệp tại địa chỉ này.

Ngoài ra, Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã xác nhận các giấy tờ tu học của Nguyễn Minh Phúc đều là giả mạo, do người này tự làm giả.

Trên Phatgiao.org.vn, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, Nguyễn Minh Phúc từng đến chùa Hoằng Pháp, xin được ở lại chùa cũng như xin chùa giúp đỡ việc ăn học vì hoàn cảnh gia đình của Phúc khó khăn.

Với tinh thần từ bi của đạo Phật, chùa đã nhận chú Phúc vào chùa ăn học. Trong thời gian ở chùa Hoằng Pháp, chú Phúc có Quy Y Tam bảo, lấy pháp danh là Tịnh Phú.

"Sau 3 - 4 năm chú Phúc trở về nhà, nhà chùa cũng không biết chú Phúc làm gì. Một thời gian sau, chú Phúc có nói là thăm một số chùa ở nhiều nơi, sau đó chú Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục của người xuất gia và tự đặt tên là Thích Tâm Phúc. Đồng thời chú Phúc còn tự nhận là trụ trì chùa Hoằng Pháp, tự in danh thiếp cho mình.

Khi biết được sự việc, chùa Hoằng Pháp đã lên tiếng thì người này bày tỏ sự sám hối, đồng thời hứa sẽ không tái phạm", Thượng tọa Thích Chân Tính nói.

Tuy nhiên, sau khi đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan chức năng lên tiếng, người đàn ông này vẫn không dừng việc mặc đồ giống tu sĩ đi "tương tác" với các Youtuber khác và tuyên truyền những thông tin sai lệch.

img

Những video tuyên truyền thông tin sai lệch của ông Phúc gây phẫn nộ.

Hồi tháng 4/2022, ông Phúc cũng xuất hiện trong hình ảnh mặc đồ cử nhân tại trường Đại học Luật TP.HCM, có ý khoe rằng mình tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM. Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đã trả lời với báo chí về việc này.

Theo đó, khi Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân cho sinh viên, ông Phúc có đến chúc mừng một bạn sinh viên và thuê đồ của những người làm dịch vụ chụp ảnh dạo bên ngoài trường và vào chụp ở trong sân trường.

Nhà trường xác nhận rằng ông Nguyễn Minh Phúc chưa từng là người học của Trường ĐH Luật TP.HCM, vì vậy không thể có chuyện ông tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM. Lễ phục mà ông Phúc thuê cũng không phải là lễ phục của nhà trường.

img

Đối tượng cũng từng gây lùm xùm khi khoe ảnh giả mạo tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM.

Nhiều người cho rằng, việc ông Phúc liên tục xuất hiện trên MXH và mặc đồ giống tu sĩ có thể gây ảnh hưởng, hiểu lầm đến hình ảnh của các tu sĩ, Phật tử chân chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.