Xã hội

Người trong cuộc nói gì về ĐH Fulbright Việt Nam và Bob Kerrey?

05/06/2016, 19:34

Thay vì tránh né, Bob Kerrey đã đối mặt. Điều đó cho thấy Kerrey là người bản lĩnh và có trách nhiệm.

9

Ông Trần Đức Cảnh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến sang thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vừa qua

Ông Trần Đức Cảnh người giúp vận động, kết nối các chương trình giáo dục Mỹ với Việt Nam, trong đó có Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và xây dựng đại học Fulbright Việt Nam (FUV) bật mí về hành trình 20 năm chuẩn bị xây dựng trường đại học theo chuẩn Mỹ ở Việt Nam.

Bước tiến của giáo dục Việt Nam

Cách đây hơn hai năm, ông là người giúp tìm đất xây dựng trường FUV. Điều đó cho thấy việc hình thành FUV phải được chuẩn bị sẵn từ lâu rồi?

Đúng vậy, tôi đã làm việc với nhóm sáng lập FUV từ nhiều năm và họ đã có một quá trình kết nối chương trình giáo dục Mỹ với Việt Nam từ những năm 1990. Sau đó là xây dựng chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM vào 1995 và các chương trình giáo dục khác. Tôi có vài công việc ở Việt Nam, nên đi lại thường xuyên hơn. Vả lại, tôi cũng hiểu biết về quy hoạch và địa hình của TP.HCM nên việc giúp tìm địa điểm xây dựng trường cũng là việc tự nhiên thôi. 

Trong quá trình tìm kiếm địa điểm, có nhiều người giúp, trong đó có cựu Fulbrighter, những người trong chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright làm đầu mối tiếp cận chính quyền TP.HCM trong việc xây dựng FUV. Tôi nghĩ vai trò chính quyền TP.HCM rất tích cực trong việc này.

Hình thành FUV hẳn là một khích lệ lớn cho nhóm thực hiện FUV cả phía Mỹ lẫn Việt Nam, nỗ lực rất lớn trong nhiều năm qua.  Giấy phép cho FUV do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký hôm 16/5, đây là bước tiến của giáo dục Việt Nam. 

Tại Việt Nam cũng đã có nhiều trường ĐH nước ngoài xuất hiện như RMIT. Vậy điều gì khiến FUV lại gây ấn tượng mạnh như vậy, khiến Tổng thống Mỹ cũng nhắc tới?

Bình thường nếu một dự án đại học nước ngoài, xin phép thành lập tại Việt Nam chắc sẽ không gây chú ý nhiều. Nhưng đây là ĐH có Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ phần tài chính ban đầu và có tên là FUV Việt Nam (FUV), nên được sự chú ý rất lớn. Fulbright là một chương trình trao đổi giáo dục của Mỹ toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các giới chức Mỹ khác đã nhiều năm giúp vận động thúc đẩy dự án ĐH này.

Thực chất đây là ĐH Việt Nam, theo mô hình của ĐH phi lợi nhuận Mỹ, được các trường đại học danh tiếng, đặc biệt là ĐH Harvard hỗ trợ phần tổ chức chương trình, giáo trình và nhân lực. Mục tiêu là giúp Việt Nam có được một ĐH nằm trong Top đầu của thế giới.

3 cơ sở đào tạo tích hợp trong 5 năm đầu tiên

Nghe nói, trước đó nửa năm nhóm sáng lập trường FUV đã nỗ lực để trường có thể chính thức được động thổ đúng dịp Tổng thống Obama sang Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do điều này đã không xảy ra?

Tôi nghĩ đó chỉ là dự kiến ban đầu, nếu có được Tổng thống Obama tham dự buổi lễ động thổ FUV thì đó là vinh dự lớn. Tuy nhiên, việc đó còn tùy thuộc vào chương trình và thời gian thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.

Với FUV, đối tượng học là những ai, học phí sẽ đóng thế nào và chất lượng ra sao, thưa ông?

Tôi không thể nói thay cho Ban điều hành của FUV về kế hoạch và chương trình sắp tới. Đại diện trường đã trao đổi với báo chí thông tin này. Theo công bố của dự án FUV, 5 năm đầu tiên trường sẽ tập trung xây dựng 3 cơ sở đào tạo tích hợp: Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (đào tạo sau ĐH trong lĩnh vực chính sách công, luật kinh doanh quốc tế, tài chính và quản trị kinh doanh, nghiên cứu và đối thoại chính sách); Trường Công nghệ và khoa học ứng dụng Fulbright (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau ĐH trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cơ khí, toán ứng dụng và y khoa); Fulbright College (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn).

Đến nay, nguồn nhân lực cho ĐH trong nước hiện nay rất tốt nếu biết tận dụng. Tôi cùng với nhóm cựu sinh viên VEF đang xây dựng mô hình trường Kỹ sư và Khoa học ứng dụng, những người tham gia đều tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường hàng đầu của Mỹ. Hy vọng sẽ sớm đưa vào thực hiện.

Chủ tịch HĐQT Đại học Fulbright từng tranh chức tổng thống Mỹ

Theo ông, tại sao ngoại trưởng John Kerry lại sẵn sàng ủng hộ FUV như vậy?

Hơn 30 năm trước Ngoại trưởng John Kerry đắc cử Phó Thống đốc còn tôi nhận một nhiệm vụ do Thống đốc bang bổ nhiệm. Bang Massachusetts của tôi rất nhỏ, nhưng rất năng động và tiến bộ trong hệ thống chính trị nước Mỹ. Ngoài ảnh hưởng lớn trong các chính sách quốc gia, thường cứ mỗi 4 năm, Massachusetts có một ứng cử viên Tổng thống Mỹ sáng giá. Massachusetts là một thế giới nhỏ, nên những người tham gia sinh hoạt đều biết nhau.

Ông Trần Đức Cảnh có hơn 41 năm sống và làm việc tại Mỹ, nguyên Giám đốc Chương trình Đào tạo, Phát triển nguồn nhân lực và các Chương trình Xã hội của chính quyền bang Massachusetts. Ông từng là thành viên của Hội đồng Liên trường Đại học Vùng Đông Bắc bang Massachusetts.

Ông làm Tư vấn dự án Ngân hàng Thế giới; Tổng giám đốc Công ty Selco-VN (được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Công ty Mỹ xuất sắc năm 2001). Hiện, ông là nhà đầu tư và rất quan tâm về giáo dục, đào tạo trong nước.  
Ông Cảnh tốt nghiệp Thạc sĩ Hành chính công Trường John F. Kennedy, Đại học Harvard.

Tôi giúp John Kerry trong kỳ tranh cử chức vụ Phó Thống đốc bang Massachusetts năm 1982, sau đó là chức Thượng nghị sĩ năm 1984. Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống của Kerry năm 2004, tôi tham gia trong nhóm soạn các chính sách.

Bob Kerrey, Chủ tịch HĐQT Fulbright cũng là người từ nhiều năm trước đã tích cực với các vấn đề Việt Nam.

Bob Kerrey là một trong những cựu binh Việt Nam, ông bị thương và mất một chân trong một trận chiến năm 1968 ở tuổi 25. Ông đắc cử Thống đốc bang Nebraska, sau đó làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Năm 1992, tôi tham gia trong ban vận động tranh cử Tổng thống của ông ở New Hampshire, một bang rất quan trọng trong bất cứ cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ nào. Năm đó có các đối thủ nặng ký trong Đảng Dân chủ của ông như Bill Clinton, Paul Tsongas, Tom Harkin và Jerry Brown.

Tôi có cơ hội gặp ông để trao đổi xem chúng tôi có cùng quan điểm trên các vấn đề quan tâm. Trong cuộc gặp đó, Kerrey đã thuyết phục tôi. Lý do đơn giản là ông hứa khi đắc cử Tổng thống sẽ rất quan tâm đến các vấn đề Việt Nam. Tôi tìm thấy một Bob Kerrey có tố chất, bản lĩnh và phong cách của một nhà lãnh đạo và sự chân thành.

Với kinh nghiệm 10 năm làm Hiệu trưởng Đại học New University ở New York, sau khi rời chính trường, tôi tin ông sẽ giúp phát triển tốt FUV Việt Nam. Tôi chia sẻ với Bob Kerrey những mong muốn tốt đẹp cho tương lai Việt Nam từ ngày ở bang New Hampshire gần 25 năm trước. Tôi tin ông sẽ làm hết sức mình bằng cái đầu và trái tim của mình. Âu cũng là duyên nợ của Bob Kerrey, John Kerry, John McCain và những cựu binh Mỹ với Việt Nam.

Gần đây, nhiều người cũng nhắc đến việc Bob Kerrey có tham gia vào vụ thảm sát xảy ra ở làng Thanh Phong trong quá khứ?

Chuyện đã xảy ra ở làng Thanh Phong năm xưa là đau thương, mất mát của chiến tranh và cũng là nỗi đau của ông Kerrey gần 50 năm qua. Thay vì tránh né, Bob Kerrey đã đối diện với nó từ những năm trước. Điều đó cho thấy Kerrey là người bản lĩnh và có trách nhiệm. Kerrey nói ông sẽ cố gắng làm những điều có thể giúp đỡ Việt Nam xây dựng tương lai tốt hơn.

Theo tôi, Kerrey không nhất thiết phải trở lại Việt Nam, nhưng ông đã quay lại và với mong muốn góp phần còn lại của mình cho sự phát triển chung của hai nước, như ông từng nói với tôi 25 năm trước. Chức danh về bản chất công việc là người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho trường.

Điều gì khiến ông xúc động nhất trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Obama?

Ngoài các thỏa thuận giữa hai nước, điều làm tôi xúc động là gặp được hai người bạn từng là cựu binh Mỹ cùng trong căn phòng tại Việt Nam bàn về việc xây dựng một ĐH tốt nhất tại Việt Nam thay vì nói chuyện chiến tranh, một ĐH mà chính tôi và nhiều người đã ấp ủ từ lâu.

Cảm ơn ông!

Bộ Ngoại giao nói gì khi cựu binh Mỹ làm Chủ tịch Fulbright?

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) ngày 2/6, người phát ngôn Lê Hải Bình chia sẻ: Những đau thương mất mát người dân VN phải trải qua trong chiến tranh là rất lớn, không gì có thể bù đắp được. Hậu quả chiến tranh là vấn đề Chính phủ, nhân dân VN đã và đang không ngừng nỗ lực giải quyết. Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc VN trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực tăng cường hợp tác, nâng cao hiểu biết và thúc đẩy quan hệ VN - Mỹ.

Một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại VN đã có những đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực (ngoại giao, văn hóa, giáo dục) để thúc đẩy quan hệ hai nước, hàn gắn hậu quả chiến tranh. Tôi cho rằng, phía Mỹ cũng như ban lãnh đạo Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế, quan hệ tốt đẹp và trên tinh thần của hai nước để mang đến lợi ích cho hai quốc gia và người dân hai nước.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.