Theo nghị định 46/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8/2019 quy định hành vi sử dụng bài tập, môn tập thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng.
Nghị định này đã gây ra những tranh cãi trong dư luận. Vấn đề được dư luận đặt ra là cần có những tiêu chuẩn phân định rõ thế nào là tập luyện thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy... làm cơ sở để xử phạt.
Chia sẻ về vấn đề này, một nữ tuyển thủ quốc gia đội khiêu vũ thể thao cho biết trên Thanh Niên, các động tác trong môn khiêu vũ thể thao thường là sự cọ xát giữa cơ thể hai VĐV nam và nữ. Sự quyến rũ của môn thể thao này nằm ở những động tác uyển chuyển, có phần hơi… sexy. "Nếu coi đó là khiêu dâm và đồi trụy để mang ra phạt thì không ai dám tập luyện nữa và dẫn đến môn này sẽ bị triệt tiêu ở Việt Nam", nữ VĐV nói.
Còn HLV của nữ VĐV này cho rằng bộ môn khiêu vũ thể thao có quy định về trang phục phải che kín bao nhiêu phần trăm cơ thể, không được mặc bộ quần áo bó sát mà đồng màu với màu da, gây hiểu nhầm cho người xem, thậm chí quần không được để lộ bao nhiêu phần trăm mông, cũng phải thực hiện nghiêm túc. Điều vị HLV này thắc mắc là: "VĐV nam nữ khiêu vũ với nhau, ánh mắt không nhìn nhau đắm đuối, các động tác không quyện với nhau thì sao gọi là khiêu vũ. Quốc tế họ vẫn tập thế, họ có bị nước họ phạt không?".
Trong khi đó, chia sẻ trên Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Tổng cục TDTT lại cho rằng Nghị định 46 hướng đến mục đích tốt: "Mặt tích cực là phòng ngừa, răn đe, giáo dục, đặc biệt trong thời điểm xã hội ta đang bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Nghị định có tính chất dự báo, muốn hướng dẫn, định hướng về tư tưởng trong hoạt động tập luyện TDTT".
"Nghị định 46 có nhiều mặt tích cực. Nhưng có lẽ khi bàn tới chuyện khiêu dâm, đồi trụy thì Bộ VHTTDL nên xem xét nhiều hơn, quy định ở lĩnh vực biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Chúng ta hãy xem cách ăn mặc của các DJ, cách biểu diễn của các vũ đoàn còn có nhiều điều đáng nói hơn. Ngay cả trên các kênh truyền hình quảng bá, vẫn xuất hiện những hình ảnh nhảy, múa phụ hóa khá phản cảm với các động tác, trang phục không phù hợp. Với các môn thể thao, VĐV thể thao đỉnh cao Việt Nam khi tập luyện, thi đấu, tôi chưa thấy có biểu hiện gì lắm", ông Nguyễn Hồng Minh nói.
HLV Trương Minh Sang (đội tuyển thể dục dụng cụ VN) phân tích, sở dĩ Nghị định gây xôn xao bởi còn một số câu chữ khá mơ hồ, thiếu sự rõ ràng, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện. Song, HLV Trương Minh Sang cho rằng Nghị định này ra đời "không thừa" bởi trên thực tế, một số người tập bán chuyên nghiệp khi đến phòng gym đã cố tình “biến tấu” trang phục, cố tình để lộ hàng, gây hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục.
HLV Trương Minh Sang nói trên Thanh Niên: "Với những VĐV chuyên nghiệp, nếu mặc trang phục quá hở hang sẽ bị trọng tài trừ điểm lúc thi đấu hoặc nếu thái quá, thậm chí còn bị cấm thi đấu ở giải đấu đó. Tuy nhiên, cần phải có văn bản nói rõ, các VĐV chuyên nghiệp chỉ được phép mặc những bộ quần áo phục vụ nghề nghiệp trong lúc tập luyện, thi đấu, không được phép mặc ra nơi công cộng. Nghị định 46 có hiệu lực kể từ 1/8/2019 và theo tôi, cần sớm có thông tư hay quyết định hướng dẫn việc thực hiện nghị định thì mới không tạo ra những luồng ý kiến trái chiều”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận