Cơ quan công an làm việc với những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở tại Hà Nội
Nếu đã ký hợp đồng cho thuê, chủ nhà không thể kiểm soát được
Liên quan đến vụ việc phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và thuê nhà "sống chui" ở Hà Nội, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, hiện Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, tạm giam hai nữ sinh viên có hành vi tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép và lưu trú trái phép ở Việt Nam.
Hai nữ sinh viên này đã đứng ra ký hợp đồng thuê nhà, căn hộ chung cư ở nhiều nơi tại TP Hà Nội rồi cho những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê lại. Vì vậy, chắc chắn hai nữ sinh này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn về trách nhiệm của chủ nhà, chủ căn hộ nơi phát hiện có nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sinh sống, luật sư Cường cho hay, nếu chủ nhà cho người không đăng ký thường trú thuê nhà sẽ bị phạt hành chính.
Nếu chủ nhà, chủ căn hộ biết rõ việc những người Trung Quốc ở nhà mình vào Việt Nam không theo đường chính ngạch, không thực hiện việc cách ly theo quy định nhưng vẫn cho thuê ở, thì đã xâm phạm đến công tác quản lý của nhà nước về dân cư, việc phòng chống dịch bệnh cũng như tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật. Lúc đó, chủ nhà có thể bị xử lý về tội Tổ chức cho người khác nhập cảnh ở Việt Nam trái phép
Tuy nhiên, theo Luật sư Cường, thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, chủ nhà ký hợp đồng cho hai nữ sinh viên thuê nhà và sau đó hai nữ sinh này cho những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê lại. Nếu các nữ sinh viên đầy đủ giấy tờ pháp lý để thuê nhà, và chủ nhà không biết việc hai nữ sinh này cho những người nhập cảnh trái phép, chưa đăng ký thường trú, tạm trú thuê lại, thì chủ nhà chỉ là thiếu trách nhiệm trông nom quản lý.
“Hơn nữa, thông thường chủ nhà chỉ ký hợp đồng cho thuê và trong hợp đồng cho thuê nhà ghi rõ bên thuê không được lợi dụng hành vi thuê nhà để làm những việc trái pháp luật. Do đó, khi bên thuê thực hiện hành vi vi phạm thì bên thuê phải chịu trách nhiệm, chủ nhà không thể kiểm soát được và không thể chịu trách nhiệm sau khi đã ký hợp đồng cho thuê", luật sư Cường nói.
"Lỗ hổng" quản lý dân cư
Liên quan đến trách nhiệm của Ban quản lý chung cư, công an địa bàn, luật sư Cường cho rằng, đây là một "lỗ hổng".
Quy định của pháp luật, quản lý cư trú thuộc trách nhiệm của công an và chính quyền địa phương theo cấp hành chính. Nhưng trên thực tế, có những khu tự quản như: Khu đô thị, khu chung cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu có vốn đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài... thì lại giao cho Ban quản lý tự quản. Theo đó, trách nhiệm của họ đảm bảo an ninh trật tự và trong khu vực này, có thể trong đó có các đồn công an.
"Về việc này, tới đây sẽ phải hoàn thiện lại hệ thống pháp luật để gắn trách nhiệm, cũng như phân công nhiệm vụ quản lý trong khu đô thị, khu chung cư, khu chế xuất, khu công nghiệp... Trường hợp Ban quản lý khu nhà ở này biết những người nước ngoài nhập cư trái phép mà vẫn cho lưu trú thì các cán bộ có trách nhiệm có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 348 của Bộ Luật hình sự về tội Tổ chức môi giới cho người môi giới ở trái phép.
"Qua vụ việc phát hiện rất nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép "sống chui" ở Hà Nội, cho thấy công tác quản lý tạm trú, tạm vắng chưa chặt chẽ. Pháp luật đã quy định người dân tới nơi không đăng ký thường trú ở qua đêm thì phải khai báo với công an địa bàn, nhưng thực tế việc khai báo rất ít được thực hiện. Cơ quan chức năng cần tăng cường, siết chặt các quy định này", luật sư Cường đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận