Ngày 19/8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tài xế Doãn Quý Phiến (SN 1966, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tử vong. Tài xế Phiến là người điều khiển chiếc xe đưa đón học sinh mà bé Lê Hoàng L. (lớp 1 Tokyo, trường tiểu học quốc tế Gateway) bị bỏ quên trên xe dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, phía Công an quận Cầu Giấy và người thân tài xế Phiến đã phủ nhận thông tin trên.
Liên quan đến sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư Hà Nội cho biết), trong bất cứ xã hội nào thì việc tung tin đồn thất thiệt cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến cộng đồng và với tổ chức, cá nhân. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì những thông tin được lan truyền hết sức nhanh chóng đặc biệt là những thông tin trên mạng xã hội. Bởi vậy việc một số đối tượng xấu tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội sẽ tác động rất lớn đối với xã hội, có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, có cá nhân, làm hoang mang bất an trong dư luận xã hội.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam có nhiều các quy định về thông tin trên mạng xã hội, mạng bên không phải mạng internet như: Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự năm 2015...
Theo luật sư Cường, vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe tử vong tại trường tiểu học quốc tế Gateway khiến trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều nguồn tin về những thông tin liên quan đến vụ việc mà các cơ quan chức năng chưa công bố, thậm chí còn có thông tin cho rằng người lái xe chở cháu bé trong vụ việc đó đã tử vong, mất tích...
Những thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể dẫn đến những hoài nghi, hoang mang, lo lắng trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống riêng tư cá nhân và có thể gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Bởi vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét những nguồn tin đó, tùy vào tính chất mức độ, mục đích và hậu quả gây ra mà người tung tin đồn thất thiệt sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 19/8, Trung tá Trần Văn Hóa, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định, không có chuyện tài xế Phiến tử vong.
"Cho đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ gia đình ông Phiến về việc lái xe này tử vong như những thông tin đồn ác ý trên mạng xã hội", chỉ huy Công an quận Cầu Giấy nói.
Cũng trong chiều cùng ngày, PV Báo Giao thông liên hệ với người nhà của tài xế Phiến, vị này khẳng định “tài xế Phiến vẫn khoẻ mạnh và đang ở nhà với gia đình”.
Trong trường hợp, người bị tung tin đồn (nạn nhân) không tố cáo hoặc cơ quan điều tra không đủ căn cứ để chứng minh rằng người tung tin biết rõ là thông tin không đúng sự thật mà vẫn lan truyền, bịa chuyện hoặc không chứng minh được mục đích nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác... nhưng hậu quả việc của việc đưa tin sai sự thật gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì vẫn có thể xem xét xử lý hình sự người đưa tin đồn về một trong các tội danh quy định tại Mục 2 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi như đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông... thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Hiện nay luật an ninh mạng đã có hiệu lực pháp luật, trong đó quy định hành vi nào là được phép thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, hành vi nào là nghiêm cấm.
Điều 8 Luật An ninh mạng quy định, các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, có hành vi: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;... Người nào thực hiện hành vi này gây ra hậu quả đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, hình phạt có thể đến 3 năm tù.
Trong trường hợp, hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa tác động xấu đến xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân... thì hành vi này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện mức hình phạt mức phạt có thể lên đến 30 triệu đồng.
Cụ thể, điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp quy định: Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với các hành vi, trong đó có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận