Nơi UBND phường Xuân Đỉnh đang xây dựng nhà văn hóa. |
Thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2016 – 20121 của UBND phường Xuân Đỉnh, trong đó ưu tiên xây dựng các trụ sở nhà văn hoá, cụ thể là nhà văn hoá xuân Nhang 2. Phần diện tích đất dùng để xây dựng nhà văn hoá Xuân Nhang 2 nằm ở vị trí ao ruộng lợn thuộc tổ dân phố Xuân Nhang 2, phường Xuân Đỉnh.
Từ cuối tháng 7/2016, UBND phường Xuân Đỉnh đã tiến hành giải toả phần đất được quy hoạch để xây dựng nhà văn hoá Xuân Nhang 2. Tuy nhiên, theo một số người dân trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng có một số điểm chưa rõ ràng trong việc xác định nguồn gốc của mảnh đất.
Đất canh tác gần 40 năm bỗng biến thành đất công
Báo Giao thông nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Sáng (SN 1970, thường trú: xóm 4, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội), nội dung của lá đơn bà Sáng trình bày: “ngày 30/6/2015, bà có nhận chuyển nhượng của gia đình bà Đỗ Thị Lan (thường trú: khu Nhang, xã Xuân Đỉnh nay là tổ dân phố Xuân Nhang 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thửa đất số 283 diện tích 348m2 tờ bản đồ số 9, bản đồ địa chính phường Xuân Đỉnh năm 1987.
Theo bà Lan, trước đây bà là xã viên của HTX Quyết Thắng, thôn Nhang (sau này là HTX nông nghiệp Xuân Đỉnh). Là hộ nông nghiệp, gia đình bà được HTX chia cho ao lợn và ruộng phần trăm như các gia đình khác để tăng gia sản xuất. Mảnh ao lợn và ruộng đó gồm tất cả là 220m2.
“Từ trước những năm 1976 đến giờ, gia đình tôi vẫn trông nom và tăng gia trên thửa ruộng và ao (ao nay đã lấp để mở đường, còn lại gia đình lấp nốt để làm vườn). Đã hơn 30 năm qua, tôi và gia đình vẫn trông nom, nộp các khoản lệ phí, ngoài sản cho HTX đầy đủ, không có tranh chấp gì với các hộ liền kề xung quanh”, đơn xin chứng thực của bà Lan viết.
Cũng trong nội dung lá đơn trên còn có xác nhận của trưởng thôn là ông Nguyễn Công Quý ghi: “bà Đỗ Thị Lan là xã viên HTX Xuân Đỉnh, được chia mảnh đất+ ao lợn từ năm 1962 hiện bây giờ đang quản lý, không có gì tranh chấp các hộ liền kề xung quanh”.
Ngoài ra, bà Lan còn cung cấp 1 số biên lai thu thuế sử dụng đất, có đóng dấu của UBND phường Xuân Đỉnh trong các năm 2000, 2001, 2002.
Thế nhưng tới đầu năm 2016, bà Sáng bất ngờ nghe nói thửa đất mà bà nhận chuyển nhượng từ gia đình bà Lan bị đưa vào xây dựng nhà văn hóa. Cụ thể, ngày 6/1/2016, UBND phường Xuân Đỉnh có thông báo số 05/TB-UBND yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa công trình trên đất công ao ruộng lợn tổ dân phố Xuân Nhang 2 phục vụ xây dựng nhà văn hóa.
Theo thông báo, “tại vị trí xây dựng nhà văn hóa hiện đang có một số công trình xây dựng trái phép trên đất công do UBND phường quản lý. Hành vi xây dựng nêu trên đã vi phạm đất đai theo quy định tại Khoản 2 điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014”, đồng thời yêu cầu các hộ gia đình tháo dỡ, giải tỏa toàn bộ công trình hoàn trả mặt bằng do UBND phường quản lý.
Theo văn bản số 333/QĐ-UBND phường Xuân Đỉnh về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Sáng, kết quả xác minh nguồn gốc của mảnh đất qua các thời kỳ thì vị trí thửa đất số 283 tờ bản đồ số 9 năm 1987 tại sổ mục kê có ghi là “Ruộng htx” (tạm hiểu là ruộng hợp tác xã). Tới bản đồ địa chính năm 1994 thì vị trí thửa đất nói trên nằm 1 phần trong thửa đất số 3 tờ bản đồ số 35 có diện tích 6833m2.
Cũng tại trích lục bản đồ thửa đất năm 1994 do UBND phường cung cấp cho PV thì chủ sử dụng thửa đất được ghi là “UBND phường”. Tuy nhiên, thông tin nói trên lại mâu thuẫn với chính kết quả xác minh do phường thông báo. Cụ thể, tại sổ mục kê năm 1994 “không thể hiện thông tin” (chủ sử dụng, loại đất).
Mặt khác, vẫn theo kết quả xác minh thì thửa đất nói trên “trước năm 2000 do HTX Xuân Đỉnh quản lý phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Như vậy đã có mâu thuẫn ngay trong quyết định giải quyết đơn thư của UBND phường Xuân Đỉnh.
Không những vậy, tại thông báo yêu cầu tháo dỡ, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, thông báo xác minh UBND phường Xuân Đỉnh đều xác định thửa đất hiện đang xây dựng nhà văn hóa là thửa số 3, tờ bản số số 35 bản đồ địa chính năm 1994.
Điều bất ngờ là tại tờ trình số 50/TTr-UBND của UBND phường v/v cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư trình UBND quận Bắc Từ Liêm thì địa điểm xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố Xuân Nhang 2 lại là thửa đất số 3217- tờ bản đồ số 35.
Tuy nhiên, tại bản đồ hiện trạng sử dụng đất thể hiện trên Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Sở TNMT Hà Nội thì thửa đất nói trên lại được ghi mã loại đất là SKS (Loại đất: Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh). Tới bản đồ Quy hoạch sử dụng đất cũng tại Cổng thông tin của Sở TNMT thì thửa đất nói trên được chia làm hai phần, một phần có ký hiệu DGD (Đất giáo dục-hiện đã được xây dựng trường mầm non Xuân Đỉnh), phần còn lại có ký hiệu PNK (Đất phi nông nghiệp khác) (?!).
Ngoài ra, theo tìm hiểu thửa đất 3.1 tờ bản đồ số 35 có diện tích lên tới 3400m2 đã từng được đưa ra lấy ý kiến xây dựng HTKT (hạ tầng kỹ thuật) đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại Hội nghị lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 2016-2020 ngày 20/6/2015.
Tuy nhiên, diện tích tại tờ trình xin xây dựng nhà văn hóa là 1984,3m2 trong đó diện tích xây dựng chỉ có 150m2. Nghĩa là thửa đất 3.1 vẫn còn tới hơn 1400m2?
“Mua bán bằng giấy tờ viết tay phường không chấp nhận”
Trao đổi cùng phóng viên để làm rõ vấn đề, ông Trần Ngọc Huân Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết: “Vụ việc của bà Sáng UBND phường đã có quyết định giải quyết khiếu nại. Thửa đất số 3217 là do lỗi của văn phòng, phường đã có đính chính và gửi lên quận, không có thửa đất số 3217 mà chỉ có là tờ số 3 (1) bộ phận đánh máy lại ghi là số 3217. Quyết định của UBND xã đã trả lời đó là đất công, còn việc bà Sáng mua như thế nào là việc của bà Sáng. Bà Sáng mua đất từ 30/6/2015 trong khi đó luật đất đai của mình năm 2013 bà ấy mua bán bằng giấy tờ viết tay, việc này UBND phường không chấp nhận.”
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Sỹ chánh văn phòng HĐND – UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Về phía quận chưa nhận được đơn thư phản ánh của vụ việc này, liên quan đến quyền lợi của công dân để giải quyết triệt để thì phải theo con đường khiếu nại, người có quyền lợi làm đơn kiến nghị lên phường, sau khi phường giải quyết mà chưa thoả đáng thì tiếp tục làm đơn khiếu nại lên quận, khi đó thanh tra vào xác minh đúng sai mới rõ ràng ”.
Liên quan đến vụ việc trên chúng tôi đã trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng ( Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng) vị luật sư này cho biết: “Trích lục của Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên môi trường Hà Nội có giá trị. Trong khi đó năm 1999-2000 khi lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 1999-2000 xã Xuân Đỉnh xác định toàn bộ diện tích khi ao ruộng lợn là đất công thì tại sao lại có những biên lai thu thuế nông nghiệp từ trước đây, điều này cần phải làm rõ.
Kể cả đất công nhưng nhà nước không quản lý mà người dân ổn định canh tác lâu dài, không tranh chấp vẫn được xem xét cấp quyền sử dụng đất, kể cả đất lấn chiếm. Tuỳ thời điểm năm 1993 hay 2003 nhà nước miễn thu thuế nông nghiệp 50% hay 100%. Trong trường hợp của bà Đỗ Thị Lan đã xử dụng diện tích đất này từ năm 1976, trong suốt quá trình xử dụng không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn thì phần diện tích đất này có thể được xem xét cấp quyền sử dụng đất.
Nhưng nay UBND xã Xuân Đỉnh thu hồi để xây dựng nhà văn hoá thì vẫn phải xem xét chế độ như đất không tranh chấp nhưng chưa được cấp quyền xử dụng đất, gồm giá trị đất, tài sản trên đất đều phải được xem xét bồi thường hỗ trợ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận