Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Điện Biên tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương liên quan đến tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang và QL279 đoạn Tuần Giáo - Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, dài 200km, quy mô 4 làn xe, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tuy nhiên, do sự cần thiết đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 đoạn từ TP Điện Biên Phủ - nút giao với QL279 theo hình thức hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) trong giai đoạn 2022 - 2030.
Để sớm triển khai đầu tư dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Điện Biên rà soát, đánh giá nhu cầu, khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh để sớm triển khai đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Trường hợp nguồn vốn ngân sách địa phương án khó khăn, UBND tỉnh Điện Biên làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia hỗ trợ hoặc có cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư dự án. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai", Bộ GTVT cho biết.
Về kiến nghị đầu tư nâng cấp QL279 đoạn Tuần Giáo - Than Uyên, tỉnh Lai Châu, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, QL279 đoạn qua tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu, tổng chiều dài 177km, quy mô đường cấp IV-III, 2 làn xe. Trong đó, đoạn Tuần Giáo - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang đã được cải tạo, nâng cấp từ năm 2009 với quy mô cấp IV, hiện đang khai thác bình thường; đoạn tuyến Tuần Giáo - Than Uyên (dài khoảng 80km), hiện có quy mô cấp IV-V, mặt đường hẹp, độ dốc lớn, nhiều đường cong bán kính nhỏ nên hạn chế khả năng lưu thông.
Thống nhất với kiến nghị của tỉnh Điện Biên về sự cần thiết đầu tư QL279, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên Bộ GTVT cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí cho Bộ GTVT chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí nguồn vốn cho đoạn tuyến này.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động các nguồn vốn hợp pháp để sớm nghiên cứu triển khai đầu tư, nâng cấp tuyến đường khi đủ điều kiện.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ VN có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến quốc lộ nêu trên để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến từ thành phố Điện Biên Phủ đi nút giao Km15+800 địa phận xã Búng Lao, huyện Mường Ảng với tổng chiều dài khoảng 50km; quy mô 4 làn xe phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012, giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe (2 làn xe ô-tô + 2 làn dừng khẩn cấp) phù hợp quy định về phân kỳ đường ô-tô cao tốc, trong đó trên tuyến dự kiến có 1 vị trí xây dựng hầm xuyên núi.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.684 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.800 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư 733 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 4.151 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn thông qua hợp đồng hợp tác BCC, tín dụng...
Tỉnh Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là tháo gỡ "nút thắt" về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận