Đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất đang xuống cấp, cần được sớm đầu tư nâng cấp - Ảnh: Phan Tư |
Cần tối thiểu 1,5 năm nếu xã hội hoá đầu tư nhà ga T3, mở rộng sân đỗ
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất “giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) chủ trì thực hiện đầu tư các dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, sân đỗ máy bay, xây dựng hệ thống thoát nước (ngoài khu bay)…” để có thể sớm khởi công các dự án, giải quyết tình trạng ùn tắc tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
“Trường hợp xã hội hoá đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP mất khoảng 1,5 - 2 năm và sẽ có thể hoàn thành dự án trước năm 2022”, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý). Sau khi hoàn thành việc cải tạo, Tân Sơn Nhất sẽ đạt cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 0,8 - 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Quy hoạch khu bay gồm: Xây dựng hệ thống đường CHC, hệ thống đường lăn. Trong đó, hệ thống sân đỗ tàu bay theo quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106. Quy hoạch sân đỗ máy bay trước hangar, nhà ga hàng hóa, khu dịch vụ hàng không, khu vực hàng không khu vực phía Bắc đáp ứng nhu cầu khai thác. Xây dựng, cải tạo nhà ga hành khách sử dụng hệ thống nhà ga hành khách T1, T2 hiện hữu, cải tạo mở rộng nâng công suất đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm. Bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng đến 20 triệu hành khách/năm để nâng tổng công suất của Tân Sơn Nhất đạt 50 triệu hành khách/năm. |
Lộ trình đầu tư được Bộ GTVT đề xuất là ưu tiên đầu tư ngay nhà ga hành khách T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông, dự kiến thực hiện từ năm 2018 - 2022. Riêng dự án hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức trên diện tích được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao ở phía Bắc để chống ngập dự kiến triển khai từ năm 2018 - 2019. Kế đó sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ và các công trình phụ trợ theo quy hoạch trên cơ sở nhu cầu phát triển và tiến độ đất được bàn giao.
Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất trên của Bộ GTVT, một chuyên gia kỳ cựu cho biết rất nhiều người hay nói ACV không còn là DNNN nữa mà đã trở thành DN cổ phần sau ngày 1/4/2016 nên ACV phải cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Điều này chỉ đúng với Luật Đầu tư, còn theo Luật Doanh nghiệp thì chưa hoàn toàn đúng. Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối tại ACV. Thực tế, ACV vẫn đang phải “gánh” những phần việc mà chẳng DN nào muốn làm như hàng rào an ninh, đường nội bộ…
“Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản, nếu nhất định phải áp theo Luật Đầu tư, phải đấu thầu thì sau nhà ga T3, đến các sân bay ở các địa phương khác, nơi ít lợi nhuận hơn, thậm chí còn không có lợi nhuận, ai sẽ làm?”, vị này nói và nhấn mạnh: Tất nhiên, nếu ACV không đủ năng lực thì không nói làm gì. Còn nếu ACV đủ năng lực, có kinh nghiệm và nếu giao ACV mà Nhà nước vốn đang sở hữu 95% số vốn của ACV có lợi ích hơn sao lại không giao, sao lại đẩy ra bên ngoài?
“Trừ khi ACV không có năng lực, không có kinh nghiệm và Nhà nước không có lợi mới nên tính đến việc đấu thầu”, vị chuyên gia nói trên khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh khẳng định, DN này đã cân đối nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại 21 cảng hàng không sân bay đang khai thác, trong đó có các công trình nâng cấp, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch mới được phê duyệt.
Mặt bằng điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất |
Ưu tiên nâng cấp ngay khu bay
Liên quan đến các dự án tại khu bay (xây dựng bổ sung hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, cải tạo đường cất/ hạ cánh (CHC) 25R/07L…, Bộ GTVT đề xuất ưu tiên triển khai đầu tư, nâng cấp các công trình đường CHC, đường lăn nối, đường lăn song song và các công trình phụ trợ để nâng cao năng lực, dự kiến thực hiện từ năm 2019 - 2020.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết sau khi ACV cổ phần hoá, các công trình thuộc khu bay là công trình dùng chung của dân dụng và quân sự, thuộc tài sản Nhà nước, do Nhà nước quản lý và đầu tư.
Được biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, dự kiến khoảng 4.466 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường CHC và đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số CHK. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước (NSNN) như trên, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện các dự án cấp bách nêu trên, thực hiện ghi thu, ghi chi NSNN như giai đoạn trước 31/12/2017 hoặc sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển của ACV để thực hiện đầu tư như kiến nghị của ACV.
Riêng đối với khu dịch vụ kỹ thuật phía Bắc như hangar, suất ăn, xăng dầu, ga hàng hoá và logistics. Do đây là công trình cung cấp dịch vụ, không phải các công trình hạ tầng thiết yếu của cảng hàng không nên Bộ GTVT sẽ tổ chức công bố danh mục để kêu gọi xã hội hoá đầu tư theo hình thức doanh nghiệp trực tiếp đầu tư. Theo đó, trong hai năm 2018 - 2019, Bộ sẽ thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư trước khi lựa chọn nhà đầu tư (dự kiến từ năm 2019 - 2020). Sau đó, sẽ cần 2 năm thực hiện công tác GPMB để có thể triển khai xây dựng công trình từ năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận