Hồ sơ tài liệu

Nguy cơ đứt chuỗi cung ứng vì chiến sự Nga - Ukraine

04/03/2022, 06:38

Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19 nay tiếp tục đứng trước một thách thức không nhỏ, chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

Vận tải biển, hàng không gián đoạn

Sau khi Nga tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, chính quyền Kiev tuyên bố đóng cửa không phận với hàng không dân sự (kể cả chở khách và chở hàng) vì lo ngại nguy cơ mất an toàn.

Trong khi đó, Nga đang phải chịu hàng chục lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu về vận tải hàng không. Bản thân Nga cũng đáp trả các lệnh trừng phạt này bằng các phản ứng tương tự.

Giá nhiên liệu tăng cộng với việc phải đi vòng, tránh không phận Nga, Ukraine càng đẩy chi phí vận tải đội giá.

img

Bảng thông báo chuyến bay tại sân bay Sheremetyevo (Thủ đô Moscow) đầy rẫy dòng tin đỏ báo hủy chuyến

Công ty chuyên về logistics Flexport cho biết, không ít chuyến bay dọc một số tuyến đường thương mại chính đã chậm hơn so với trước. Đơn cử, theo dữ liệu từ công ty theo dõi hàng không Flightradar24, từ khi các lệnh cấm có hiệu lực, thời gian di chuyển trên tuyến New Delhi (Ấn Độ) - London (Anh) trung bình tăng 8% so với trước đó.

Với vận tải biển, Anh, Canada tuyên bố đóng cảng với tàu Nga. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét các biện pháp tương tự.

Cùng lúc, 3 hãng tàu biển lớn nhất thế giới bao gồm MSC, Maersk, CMA CGM thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến/đi từ Nga nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chưa kể, Maersk hiện sở hữu 31% cổ phần của công ty khai thác cảng Global Ports của Nga - đơn vị đang điều hành 6 cảng ở Nga và 2 cảng ở Phần Lan.

Các hãng tàu này sẽ chọn lọc, chỉ vận chuyển các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế và hàng viện trợ nhân đạo.

Không chỉ vậy, các hãng vận tải Ocean Network Express có trụ sở tại Singapore và hãng Hapag Lloyd của Đức cũng có thông báo tương tự, gây thêm áp lực với hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu, nhất là các sản phẩm như bạch kim, nhôm, dầu hướng dương, thép.

Thông tin này như một đòn giáng đối với chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.

Hai năm qua, thế giới đã phải chật vật ứng phó với tình trạng chuỗi cung ứng hàng hóa bị tắc nghẽn do nhu cầu vận chuyển bằng các tàu container đối với hàng hóa bán lẻ tăng đột ngột và các lệnh phong tỏa liên quan đến đại dịch Covid-19.

Hệ lụy với chuỗi cung ứng

Những công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp như ngành sản xuất ô tô đã ngay lập tức nhận thấy tác động.

Ngay đầu tuần này, hãng xe Đức Volkswagen thông báo khả năng buộc phải giảm công suất tại nhà máy chính ở Wolfsburg và một số nhà máy khác ở Đức vì thiếu nguồn cung phụ tùng. Còn BMW thông báo sẽ hạn chế sản xuất tại các nhà máy ở Đức, Áo và Anh.

Sau động thái trên, giá cổ phiếu của tập đoàn Volkswagen và BMW lần lượt giảm hơn 7% và gần 5% trong phiên giao dịch cuối ngày 1/3.

img

Nhà máy sản xuất ô tô của Volkswagen tại Wolfsburg, Đức

Các nhà sản xuất ô tô có thể chứng kiến tình trạng thiếu hụt trong một số nguyên vật liệu quan trọng khác vì Ukraine và Nga đều là những nguồn cung cấp palladium và bạch kim (nguyên liệu chính để sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác) cũng như nhôm, thép và chrome.

Các nhà sản xuất chip bán dẫn cũng đang thận trọng theo dõi tình hình neon, xeon và palladium - những nguyên vật liệu cần để sản xuất chip.

Một lĩnh vực khác liên quan tới ô tô là hệ thống dây điện. Dù Ukraine không phải là trung tâm sản xuất ô tô nhưng là nhà cung cấp hệ thống dây điện ô tô lớn.

Leoni - một công ty của Đức chuyên cung cấp hệ thống dây điện và các phụ tùng điện khác, với 100.000 nhân công trên toàn cầu, có hoạt động tại Ukraine. Công ty này đang có nhà máy tại thành phố Stryi gần biên giới Ba Lan và thành phố Kolomyia. Hoạt động sản xuất tại cả hai khu vực này đều bị gián đoạn vì xung đột giữa Nga - Ukraine.

Theo thông báo vào đầu tháng 3 này, công ty Leoni cho biết, công ty này đã thành lập một nhóm đặc trách làm việc đêm ngày, tìm giải pháp bù đắp cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Không riêng ô tô, ngay cả sản xuất khoai tây chiên, mỹ phẩm cũng có chung nỗi lo khi nguồn cung dầu hướng dương lớn từ Nga và Ukraine đang bị đe dọa.

Nếu xung đột kéo dài, vụ thu hoạch lúa mỳ mùa Hè để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông làm bánh mỳ, pasta, thực phẩm đóng hộp… cũng bị đe dọa.

Giá thực phẩm tăng cao vì gián đoạn nguồn cung ứng toàn cầu, có thể đẩy nguy cơ bất ổn xã hội tại các nước khó khăn, lên cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.