Chết hụt vì nhậu nhẹt liên miên
Vừa được xuất viện, anh N.T.H (Hà Nội) vẫn chưa hoàn hồn bởi đợt cấp cứu vì viêm tụy cấp, tưởng "một đi, không trở lại". Trước khi nhập viện, anh H xuất hiện chướng, đau bụng, không ăn uống được, cơn đau lan dần lên ngực rồi kéo sang hai mạng sườn và lưng.
Khi vào viện, huyết tương lấy ra từ cơ thể anh đục như sữa, do mỡ máu tăng quá cao, viêm tụy cấp thể nặng, thậm chí có nguy cơ tử vong. Ngay lập tức anh được chỉ định lọc máu, thay huyết tương cấp cứu.
Theo lời anh H, anh có thói quen uống bia mỗi ngày, cộng thêm là dịp cuối năm nên các bữa liên hoan diễn ra dồn dập. Đây chính là nguyên nhân khiến anh mắc viêm tụy cấp. May mắn được lọc máu liên tục và hồi sức tích cực bằng phương pháp truyền dịch, kháng sinh, cân bằng điện giải… các bác sĩ đã kéo anh thoát khỏi cửa tử.
BS Vương Mỹ Dung, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm, sưng đột ngột. Nếu không điều trị kịp thời dễ bị tử vong do suy đa cơ quan và hoại tử tụy, nhiễm trùng. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động khoảng 5-15% tùy nguyên nhân và mức độ, tuổi tác và bệnh đi kèm, thậm chí có thể tăng đến 20%.
Nguyên nhân viêm tụy cấp
Theo BS Dung, việc thường xuyên uống nhiều bia rượu sẽ gây hẹp ống dẫn tụy, khiến men tiêu hóa không được tiết vào ruột non mà ứ đọng trong tụy, dẫn đến viêm.
Ngoài ra, rượu bia còn thúc đẩy tăng mỡ máu, làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp. Hàng năm đều có nhiều trường hợp viêm tụy cấp nặng vì thói quen uống rượu bia sa đà trong dịp Tết. Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm, dễ tái phát, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cũng theo các chuyên gia y tế, điều đáng lo ngại là triệu chứng của viêm tụy cấp dễ bị lầm tưởng là viêm dạ dày, các vấn đề tim mạch hay những bệnh đường mật, dẫn đến việc nhiều người không đi khám ngay mà tự mua thuốc uống, khiến tình trạng nặng nề hơn.
Do đó, khi có các triệu chứng như đau bụng trên rốn liên tục, kéo dài, cơn đau tăng sau khi ăn nhiều đạm hoặc dầu mỡ hay sau uống bia rượu, cần đi viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Nguy hiểm nếu không được điều trị sớm
Thời điểm giáp Tết, Khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An liên tục tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu trong tình trạng nghiêm trọng, hôn mê sâu. Ngoài các trường hợp ngộ độc rượu ethanol, còn ghi nhận ngộ độc methanol.
Điển hình như trường hợp anh L.X.Đ (48 tuổi, trú tại TP Vinh) được gia đình đưa đến bệnh viện khi có các triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên đến 63,85 mg/100ml. Bệnh nhân được lọc máu, điều trị tích cực và may mắn phục hồi. Còn một ca cùng uống rượu với anh Đ, nhập viện trước đó không may đã tử vong do ngộ độc quá nặng.
Theo BS Nguyễn Trọng Toàn, Khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, những năm gần đây, vào dịp cuối năm, khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu. Phần lớn các trường hợp là nam giới, trải rộng ở mọi độ tuổi. Đặc biệt, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol rất nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản và thở máy.
Còn tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận không ít ca ngộ độc rượu vào mỗi dịp cận Tết. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm, các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn tùy thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống.
Biểu hiện ngộ độc thường có hai giai đoạn gồm: Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua.
"Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân với biểu hiện bên ngoài hoàn toàn bình thường nhưng nồng độ methanol trong máu rất cao. Những người này nếu không được điều trị sẽ nhanh chóng bị giảm thị lực và ảnh hưởng nặng đến não", BS Nguyên chia sẻ.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các triệu chứng ngộ độc methanol ở bệnh nhân thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận