Trưa 9/8, trả lời Báo Giao thông, ông Lê Viết Thuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trước nguy cơ lo lắng vỡ đập thủy điện Đắk Kar (xã Hưng Bình và Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp), chính quyền địa phương hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã di dời trên 5.000 người, tài sản đến nơi an toàn. Trong đó, tỉnh Bình Phước hơn 5.000 người; Đắk Nông di dời hơn 200 hộ dân, chủ yếu là các ngôi nhà rẫy.
“Đến thời điểm này, sự cố kẹt van xả trên công trường thủy điện Đắk Kar vẫn chưa khắc phục được. Hiện tại nước đang được xả qua đường ống áp lực. Chiều nay, chờ mực nước rút để tiếp tục khắc phục van xả. Các đơn vị đã có phương án khoan lỗ chờ, nếu trường hợp xấu xảy ra sẽ nổ mìn để xả lũ”, ông Thuận nói.
Cùng ngày, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, mực nước tại hồ thủy điện Đắk Kar đã hạ xuống 2,5m so với ngày hôm qua (8/8) và đạt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, do sự cố van xả đáy vẫn chưa thể khắc phục, nên việc xả nước vẫn phải thực hiện bằng cách xả qua đường ống áp lực. Nếu trong những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa lớn thì có thể mức độ nguy hiểm lại tăng lên. Hiện tại, thủy điện đã có phương án, các phương tiện được bố trí sẵn sàng túc trực nếu xảy ra sự cố sẽ cho múc ngoài ranh giới xả tràn để xả nước".
Theo ông Toản, chiều hôm qua (8/8), UBND huyện Đắk R'lấp đã tổ chức di dời hai hộ dân sống ở hạ du thủy điện đến nơi an toàn. UBND huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền, cảnh báo và yêu cầu người dân tuyệt đối không đến vùng hạ du thủy điện Đắk Kar.
Công trình thủy điện Đắk Kar có dung tích thiết kế 13 triệu m3 nước, đang trong quá trình thi công. Mấy ngày qua, công trình này xảy ra sự cố kẹt van xả đáy, khiến mực nước hồ dâng cao, nguy cơ mất an toàn.
Ngay chiều hôm qua (8/8), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn trực tiếp đến kiểm tra tại công trình. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp phải hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Các lực lượng liên quan tập trung theo dõi, khắc phục sự cố.
Trước đó, liên quan đến sự cố đập thủy điện Đắk Kar, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đề nghị các tỉnh vùng hạ du hồ thủy điện Đắk Kar khẩn trương thông tin về sự cố đập đến các cấp chính quyền và người dân.
Chủ đập và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, và sự cố đập để chuẩn bị các phương án xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận