Giữa tâm điểm dịch bệnh viêm phổi cấp do virus biến thể Corona (nCoV) gây ra, nhiều người lại truyền tay, rỉ tai nhau những bài thuốc được cho là phòng ngừa thậm chí chữa khỏi được bệnh! Đáng chú ý, không ít những phương thức phản khoa học…
Thực dưỡng, uống nước tiểu để trị… virus corona
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ rất nhiều thông tin được cho là “phương thuốc” phòng ngừa, chữa trị virus Corona cùng những “thầy lang” tự phát. Theo đó, “bài thuốc phòng ngừa corona virus” bằng nước chanh, sả, mật ong được hàng loạt chị em nội trợ quan tâm. “Phương thuốc” này được miêu tả với công thức: “Sáng ngủ dậy uống ngay 1 cốc, giữa ngày uống 1 cốc, trước khi đi ngủ uống 1 cốc. Uống liên tục trong vòng 3 ngày thì hệ ô hấp phổi của bạn sẽ rất sạch và khỏe hẳn...”.
Đáng nói, nhiều “đơn thuốc” mang tính dị biệt cũng được chia sẻ rầm rộ. Đơn cử, trên tài khoản T.A chia sẻ thông tin phòng bệnh viêm phổi cần phải kiêng hoặc hạn chế đồ tanh, chua mặn, kèm theo đơn “dị biệt”: “Uống 1/3 lon sữa Ông Thọ + 1 gói cafe pha sẵn + 1 chén nhỏ rượu trắng vào buổi sáng. Trộn 1 lon bò húc Redbull + 1 chén mật ong + 1 chén rượu trắng (rượu vang đỏ là tốt nhất) uống vào buổi chiều…. Nếu thấy có triệu chứng viêm phổi thì hãy tăng gấp đôi, hoặc gấp 3 liều phòng vệ trên” (!?)
Khôi hài hơn, trên trang cá nhân N.B, người chuyên bán sản phẩm phục vụ chế độ ăn thực dưỡng, có số người theo dõi lên tới hàng nghìn, cũng “phát minh” ra bài thuốc nhằm trị “đại dịch virus cúm corona” bằng… nước tiểu: “Sáng uống nước tiểu ngay khi đi tiểu ra. Nước tiểu ngay khi vừa đi tiểu ra không có mùi khai thối gì hết. Khi ra ngoài không khí, gặp bọn vi khuẩn, virus nó kết hợp với các dưỡng chất có trong nước tiểu mới sinh ra mùi khai nồng mà thôi. Nước tiểu của bệnh nhân trong trường hợp này chính là thần dược tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Sau đó uống 1 muỗng cà phê dầu gấc + 3 giọt dầu mè đặc biệt. Ăn trà bình minh. Không ăn cơm cháo gì hết!”. Ngoài ra, nữ thành viên này còn “khuyến cáo”, trong thời gian phòng và trị bệnh tuyệt đối không được ăn đồ mặn như: Thịt, cá, sữa bò…
Tương tự, một chủ shop thuốc online cũng tung tin giật gân: “Bạn muốn mình là người sống sót trong đại dịch nhiễm virus Vũ Hán thì hãy làm đúng 7 bước”, cũng đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ. Theo đó, người này đưa ra giả thuyết: “Giả sử khi bạn biết mình bị lây nhiễm virus Vũ Hán vì ho nhiều, đau ngực, khó thở, nhức đầu và tiêu chảy, người bị nóng sốt lâu không cảm thấy giảm thì trước tiêu hãy uống thuốc Tylenol giúp hạ nhiệt và đắp khăn lạnh vào đầu”. Bên cạnh đó, chủ shop này cũng không quên “phán” như bác sĩ: “Tylenol là thuốc tốt nhất sử dụng trong lúc ngực bị đau và uống thuốc ho nếu bị ho nhiều. Khi bị nhiễm virus ở Vũ Hán, bị ho chỉ nên sử dụng loại suppressant (chặn, giảm ho) mà thôi)... Sau khi ăn đủ bữa, uống thuốc giảm đau và thuốc ho thì cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt. Nếu làm đúng theo lời dặn này thì cơ hội hết bệnh rất cao và bệnh sẽ giảm dần sau 7 ngày...”.
Phản khoa học và quá nguy hiểm!
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc BV Tuệ Tĩnh - Học viện Y dược học cổ truyền cho biết: “Các loại gia vị như tỏi, gừng, sả… trong chừng mực nhất định, có thể coi như bài thuốc dân gian để chữa trị bệnh cúm, phong hàn, nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào chứng minh chúng có thể diệt virus, đặc biệt loại virus biến thể Corona. Đáng nói, muốn tăng sức đề kháng phải ăn uống điều độ, ăn sạch và ăn theo lời khuyên của bác sĩ với những người mắc bệnh mãn tính, không phải ăn gì đó để tăng sức đề kháng của cơ thể vì có thứ là thuốc bổ với người này nhưng có hại với người khác. Do đó người dân không nên thần thánh hóa mà bỏ qua những phương pháp vệ sinh khử khuẩn như rửa tay bằng xà phòng hay đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Trước thông tin dùng nước tiểu của chính người bệnh để trị virus viêm phổi, ông Hoàng cực lực phản đối. “Đây là phương pháp phản khoa học bởi nước tiểu là nguồn thải độc tố của cơ thể, đặc biệt đối với những người bệnh thì đây còn là nguồn lây nhiễm nguy hiểm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo BS. Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bệnh viêm phổi cấp bởi virus Corona hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và kháng sinh phòng ngừa. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh lây lan, nhiều đối tượng đã tung tin xuyên tạc, lợi dụng kiếm lời. “Cần phải nghiêm cấm và xử lý thích đáng đối với những thông tin tào lao, vô căn cứ về dịch bệnh Corona. Khi phát hiện hành vi này, người dân có thể báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Một lần nữa nêu lại khuyến cáo người dân không được giấu bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, ông Tuấn lưu ý: “Cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của cơ sở y tế, cách ly khi cần thiết. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc giảm sốt, giảm ho, bởi như thế sẽ khiến triệu trứng của bệnh bị che giấu, khó phát hiện, gây nguy hiểm tới tính mạng”.
Trong thông cáo ngày 3/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể phòng ngừa hoặc điều trị chủng virus 2019-nCoV. WHO cũng khẳng định mọi người ở tất cả các độ tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV, trong đó người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim là những đối tượng dễ bị nhiễm nhất.
Việt Nam có ca nhiễm virus corona thứ 10
Tính đến ngày 4/2, tại Việt Nam có 10 ca mắc virus nCoV. Trường hợp mới nhất là nữ bệnh nhân 42 tuổi sống ở Vĩnh Phúc. Bệnh nhân là công nhân, dịp Tết đến chơi nhà cô gái 23 tuổi (ngày 30/1 đã được xác định dương tính với nCoV) trong đoàn 8 người Công ty Nihon Plast tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc về.
Đây là ca viêm phổi thứ 5 tại Vĩnh Phúc, thứ 10 ở Việt Nam và cũng là lần thứ hai Việt Nam ghi nhận bệnh lây nhiễm từ người sang người. Trường hợp trước đó là bố con ông Li Ding người Trung Quốc, điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 15h30 ngày 4/2, trên thế giới đã có 20.630 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus nCoV, trong đó tại Trung Quốc là 20.440 ca. Tổng số trường hợp tử vong là 427, trong đó tại Trung Quốc là 425; 1 ca ở Philippine và 1 ca ở Hong Kong. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc 190 ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
V.A
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận