Một bệnh nhân bị nhiễm giun lươn. |
Thích ăn gỏi, rau sống hay không lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân… là những nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun, sán. Điều đáng nói, không ít trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong vì chẩn đoán nhầm.
Mắc sán lá gan lại tưởng ung thư
GS. Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị sán lá gan đã bị chẩn đoán nhầm với ung thư. Ông Đề cho hay, trước đây đã từng cấp cứu cho một bệnh nhân nam tên là Nguyễn Đình T. (ở Nghệ An) trong tình trạng hấp hối.
Trước đó, bệnh nhân T. có biểu hiện sốt, bụng trướng và đau, điều trị dài ngày ở tuyến dưới không khỏi. Gia đình chuyển lên tuyến T.Ư, sau khi chụp cộng hưởng từ xác định ung thư gan, không còn cơ hội cứu chữa, bệnh nhân được bệnh viện trả về cho gia đình lo hậu sự. May mắn được một người quen giới thiệu, gia đình đưa bệnh nhân đến gặp GS. Nguyễn Văn Đề. “Sau khi siêu âm kỹ cho thấy, các khối u giống hình ảnh ổ sán, cùng với xét nghiệm máu dương tính sán lá gan lớn. Nhận định đây chính xác là trường hợp sán lá gan, sau 3 đợt điều trị, khối u biến mất và bệnh nhân khỏe mạnh trở lại”, ông Đề cho biết.
Theo GS. Nguyễn Văn Đề, trường hợp bệnh nhân mắc sán lá gan bị chẩn đoán nhầm như trên không phải chuyện hiếm. Trên thực tế, sán lá gan lớn trước khi vào ký sinh trong đường mật đã phá hủy tổ chức gan, gây ra những ổ tổn thương dạng u hay áp xe với tổ chức hoại tử không đồng nhất.
Mọi người tuyệt đối không nên ăn rau sống thủy sinh bởi ấu trùng sán thường nằm trong cọng lá, không thể rửa sạch. Các loại sán đều chết ở nhiệt độ cao khi nấu chín vì thế nên ăn chín, uống sôi nhất là ở các tỉnh có vùng dịch...”. GS. Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội |
Đặc biệt, bệnh sán lá gan lớn có khi gây nên những triệu chứng cấp tính rầm rộ như sốt, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị nên dễ nhầm với các bệnh về gan mật hoặc dạ dày. Người bệnh mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, xét nghiệm máu bạch cầu ái toan tăng, siêu âm phát hiện các tổn thương về gan, nhưng cũng có khi không có triệu chứng gì, chỉ khi khám sức khỏe định kỳ phát hiện khối u trong gan.
Hoặc có trường hợp chỉ mẩn ngứa, nổi mề đay hay ho kéo dài, thậm chí có trường hợp còn tràn dịch màng phổi hay màng tim hoặc u phổi. “Hậu quả bệnh sán lá gan lớn có thể dẫn tới tử vong do không phát hiện, can thiệp kịp thời gây vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng do viêm phúc mạc”, ông Đề cho hay.
Suýt tử vong vì giun lươn
Đầu tháng 12 vừa qua, các bác sĩ BV Hoàn Mỹ (TP HCM) vừa cứu một ca bệnh “từ cõi chết trở về” do nhiễm giun lươn toàn thân rất nặng. Người bệnh là ông Trần Văn T. (78 tuổi, trú tại quận Thủ Đức, TP HCM). Bệnh sử ghi nhận, sau 3 ngày ho khạc ra đờm vàng, sốt, khó thở…, bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm dạ dày.
Tuy nhiên, sau điều trị, lại tái diễn, người bệnh ho nhiều kèm theo khó thở, ăn uống kém. Chỉ trong vòng 1 tháng, ông T. đã bị sụt đến 10kg, cơ thể suy kiệt. Qua kết quả kiểm tra hình ảnh, xét nghiệm, bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất kết luận ban đầu với chẩn đoán, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm dạ dày, rối loạn điện giải, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.
Tuy nhiên, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng nên tiến hành cấy đàm, nội soi dạ dày thực quản kiểm tra, kết hợp với sử dụng kháng sinh phổ rộng. Qua sinh tiết soi tươi đàm và soi phân từ người bệnh, phát hiện ấu trùng giun lươn. Ngay lập tức, bệnh nhân được dùng thuốc kháng ký sinh trùng kết hợp với điều trị kháng sinh. Sau nửa tháng điều trị nội khoa tích cực, ấu trùng giun lươn đã bất hoạt, sức khỏe người bệnh hoàn toàn bình phục.
Nhiễm giun sán ký sinh đường ruột là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam đặc biệt là các loại giun truyền qua đất như: Giun kim, giun lươn, giun đầu gai…; Các loại sán truyền qua thức ăn... Theo đó, tỷ lệ trẻ em mắc giun sán cao hơn ở người lớn do điều kiện khí hậu nhiệt đới, vệ sinh môi trường cùng với ý thức vệ sinh cá nhân và những thói quen sinh hoạt lạc hậu, thuận lợi cho bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột phát triển. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng T.Ư |
Theo bác sĩ Hoàng Dũng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, việc nhiễm các loại ký sinh trùng như giun lươn nếu phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Ngược lại, giun lươn sẽ có điều kiện di chuyển đến các cơ quan, phủ tạng gây bệnh như: Viêm phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết, xuất huyết tiêu hóa… “Nguy hiểm hơn cả là giun lươn tấn công hệ thần kinh gây viêm não, màng não… mà thường chẩn đoán nhầm viêm não do virus, do vậy thường để lại những tổn thương nặng nề, nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân”, ông Dũng khuyến cáo.
Cũng như sán, phần nhiều người nhiễm giun, nhất là giun lươn thường có thói quen ăn uống sống, làm ruộng, vườn đi chân đất… “Chưa kể nhiều người còn có sở thích ăn ốc sên hoặc làm đẹp bằng đắp mặt nạ ốc sên, mà không hề biết trong ốc sên có chứa rất nhiều giun lươn và nhiễm bệnh từ đó”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận